Trái đất vừa trải qua tháng nóng nhất trong lịch sử
GD&TĐ - Người dân Paris tìm cách hạ nhiệt tại đài phun nước Trocadero gần tháp Eiffel trong đợt nắng nóng vào ngày 29/6/2019, đây là thời điểm nóng nhất trên Trái đất từng được ghi nhận.
GD&TĐ - Người dân Paris tìm cách hạ nhiệt tại đài phun nước Trocadero gần tháp Eiffel trong đợt nắng nóng vào ngày 29/6/2019, đây là thời điểm nóng nhất trên Trái đất từng được ghi nhận.
Nếu bạn nghĩ rằng tháng trước thực sự rất nóng thì bạn đã đúng. Tháng 6/2019 là tháng nóng nhất trong lịch sử toàn cầu. Và đó là tháng thứ hai liên tiếp nhiệt độ cân bằng ở mức cao khiến cho độ bao phủ của băng ở Nam Cực đạt mức thấp kỷ lục.
Nhiệt độ trung bình của đất và biển trong tháng 6/2019 cao hơn 1,71 độ F (0,95 độ C) so với nhiệt độ trung bình toàn cầu là 59,9 F (15,5 C), khiến tháng 6/2019 trở thành thời điểm nóng nhất trong vòng 140 năm qua, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương (NOAA) thuộc Trung tâm Thông tin Môi trường quốc gia của Mỹ.
Tại Mỹ, Alaska trải qua tháng Sáu nóng thứ nhì kể từ khi nước này bắt đầu lưu giữ thông tin vào năm 1925. Mặc dù các đảo ở Hawaii luôn có thời tiết êm dịu, khu vực nhiệt đới cũng trải qua tháng 6 nóng nhất trong năm nay. Điều tương tự cũng xảy ra với vùng vịnh Mexico.
Theo ghi nhận, người dân châu Âu đã đổ mồ hôi nhiều hơn bình thường vào tháng nóng nhất này và tất nhiên, cũng đã trải qua tháng 6 nóng nhất trong khu vực. Áo, Đức và Hungary ghi nhận đây là tháng 6 nóng nhất từ trước đến nay và Thụy Sĩ ghi nhận là lần nóng thứ nhì.
Cái nóng của tháng trước đã bao phủ toàn cầu một cách toàn diện đến mức nó làm các cực trên hành tinh chúng ta tan chảy.
Tháng 6/2019 được ghi nhận là lần thứ 20 liên tiếp có lớp băng bao phủ thấp dưới mức trung bình ở Bắc Cực và là lần thứ tư liên tiếp có lớp băng dưới mức trung bình ở Nam Cực.
Lớp băng ở Nam Cực đạt kỷ lục nhỏ nhất vào tháng Sáu này trong vòng 41 năm, vượt qua kỷ lục thấp trước đó là vào năm 2002 với diện tích chỉ còn là 62.000 dặm vuông (160.580 km vuông).
Nhiệt độ hàng năm trên toàn cầu cũng cao 1,7 F (0,94 C) trên mức trung bình thế kỷ 20 là 56,3 F (13,5 C), với đợt nóng thứ nhì từ tháng 1 - 6/2017. Chỉ đợt nóng từ tháng 1 – 6/2016 là mạnh hơn. Những thông số nhiệt độ cao kỷ lục này liệu có phải là kết quả của biến đổi khí hậu? Đúng vậy.
“Khí hậu, theo định nghĩa, là trung bình dài hạn của thời tiết, trong nhiều năm”, Josef Werne, Giáo sư địa chất và khoa học môi trường tại Đại học Pittsburgh (Mỹ) từng trao đổi với Live Science.
“Một năm hay mùa có thời tiết lạnh (hoặc ấm) ít liên quan đến khí hậu nói chung. Chỉ khi những năm lạnh (hoặc ấm) đó trở nên thường xuyên hơn, chúng ta mới bắt đầu nhận thấy đó là sự thay đổi của khí hậu thay vì thấy đó chỉ là một năm có thời tiết bất thường”, GS Werne nói.
Trong thời điểm các đợt sóng nhiệt siêu cường xảy ra thường xuyên trên toàn cầu và nhiệt độ Trái đất tiếp tục tăng, càng ngày càng khó có thể bỏ qua các hậu quả đáng gờm mà biến đổi khí hậu mang lại.
Một nghiên cứu được công bố vào tháng 6 trên Tạp chí Nature Climate Change cho thấy xu hướng nóng có thể sẽ tiếp tục hàng năm nếu không có hành động nào để giảm bớt khí nhà kính như các quốc gia đã cam kết trước đó.
Theo Thúy Hà