Thật đáng suy gẫm chuyện về một cụ ông 78 tuổi đang nằm viện tại Mỹ. Cụ bị bệnh phổi và biết tình trạng sức khỏe mình ngày càng xấu đi vì trong buổi sáng bác sĩ đã nói với cụ rằng tiên lượng bệnh không khả quan chút nào, nếu không nói là vô vọng.
Nhưng câu chuyện ở đây là cụ đang được cô cháu gái chăm sóc và một bác sĩ đã đến nói chuyện với cụ.
Chuyện bình thường thôi nếu không có chi tiết "quá đáng": "vị bác sĩ" đến giường bệnh của cụ không phải là một thầy thuốc bằng xương bằng thịt mà là một robot mang một màn hình để chuyển tải lời nói của bác sĩ đến bệnh nhân.
Chính vị "bác sĩ - màn hình - robot" này đã thông báo cho cụ là cụ chỉ còn sống được vài tiếng đồng hồ nữa mà thôi. Còn bệnh nhân thì không nghe rõ chuyện và phải nhờ đến cô cháu gái nhắc lại lời của vị bác sĩ - màn hình kia thì cụ mới hiểu.
Trên đây là một tình huống cụ thể, nhưng nhìn rộng ra toàn cục thì chúng ta hoàn toàn đồng ý rằng những tiến bộ vượt bậc về công nghệ được áp dụng vào y khoa và chăm sóc sức khỏe con người là một điều đáng nể.
Bối cảnh gây sốc tại một bệnh viện ở Mỹ vào tháng 3 vừa qua khi một robot mang màn hình đến bên giường một bệnh nhân 78 tuổi để chuyển tải thông báo “sắp qua đời” của bác sĩ. Người cháu gái của bệnh nhân này đã bất bình, quay lại cảnh này và đưa lên Facebook để tố cáo cách làm việc không chút tình người như trên của bệnh viện
Chúng ta không phủ nhận những thành tựu đó, song suy cho cùng máy móc dù cho hiện đại đến cỡ nào đi chăng nữa, dù cho chúng có khả năng hỗ trợ con người đắc lực đến cỡ nào đi chăng nữa, thì rốt cuộc chúng vẫn chỉ là những "cỗ máy" vô tri vô giác, những công cụ để con người sử dụng.
Và hệ quả sẽ nguy hiểm hơn một khi những máy móc này được dùng để khỏa lấp sự thiếu vắng con người trong giao tiếp cộng đồng với lý do là thiếu tiền và thiếu nhân sự.
Trở lại vấn đề cốt lõi, hãy tự hỏi và cật vấn về bản chất nhân văn của tình huống trên, khi mà một màn hình được một robot mang đến để thông báo tin dữ cho một bệnh nhân sắp qua đời.
Vì để tiết kiệm tiền mà con người chúng ta đối xử với nhau một cách mất tình người đến thế hay sao?
Ngày xưa, kỹ thuật số là một sản phẩm dành cho người giàu. Ngày nay, nó đã trở thành một sản phẩm dành cho người nghèo!
Trên tờ New York Times, phóng viên mảng công nghệ Nellie Bowles đã dẫn câu chuyện về cụ ông nằm viện nói trên để phát triển thành một chủ đề bao quát hơn về tình trạng bất bình đẳng chưa từng có từ trước đến nay trong xã hội hiện đại thời nay của chúng ta.
Khởi thủy, khi mới ra đời thì những máy móc công cụ thuộc lĩnh vực công nghệ số là một dấu hiệu của sự giàu sang.
Còn nhớ trong thập niên 1980, khi bạn tậu được một chiếc máy vi tính ở nhà tức là bạn chứng tỏ được một đẳng cấp "bề trên" nào đó trong giai tầng xã hội.
Rồi sau đó, bạn hòa mạng được Internet thì bạn cũng sẽ được đánh giá là "đỉnh" lắm rồi.
Thế nhưng hiện nay, tình huống lại đảo ngược: bạn có vị thế cao, bạn có uy quyền, quyền lực ư? Đó là khi bạn không nhấc máy nghe điện thoại khi có cuộc gọi đến, đó là khi bạn không trả lời ngay lập tức khi nhận được một e-mail của ai đó.
Giờ đây, cái vị thế của bạn được nâng lên là khi bạn ngắt kết nối trong thế giới phẳng.
Từ giai đoạn hào hứng với sự trợ giúp của robot, giờ đây người ta bắt đầu đặt ra các câu hỏi về sự giao tiếp người với người - Ảnh: CRI
Máy móc hay công nghệ giờ đây phần nào không còn là đại diện của cao sang danh vọng mà là của thiếu hụt.
Một trường học thiếu thầy cô ư? Cứ để màn hình vào là xong. Bệnh viện thiếu nhân sự ư? Một vài bác sĩ - màn hình là ổn.
Rồi người ta còn tính đến việc tự động hóa các nhà dưỡng lão bằng càng nhiều robot càng tốt, để tiết kiệm kinh phí ấy mà.
Thế nhưng ở chiều ngược lại, trong một khu nhà dưỡng lão hạng sang thì sẽ luôn có một đội ngũ đông đảo nhân viên phục vụ các cụ ông cụ bà.
Một bệnh viện tư nhân cũng vậy, sẽ luôn có một bác sĩ bằng xương bằng thịt đến thăm hỏi và thông báo cho bệnh nhân.
Và cũng ngày càng có nhiều những trường học tư thục quảng bá và tự hào là cơ sở của mình không sử dụng màn hình để giảng dạy.
Thế cho nên, chúng ta sắp đi đến một xã hội mà theo phóng viên Nellie Bowles, việc tiếp xúc người - người với nhau trong cộng đồng sẽ trở thành một chuẩn "VIP".
Vị thế trong cuộc sống sẽ khác nhau rõ rệt: bạn là một người giàu hay một người nghèo tùy theo bạn "sống thật", tức là sống trong quan hệ cộng đồng giữa người và người, trong tiếng Anh gọi là IRL (In Real Life) hay là bạn "sống ảo" chủ yếu chỉ qua màn hình.
Người nghèo sẽ bị các robot và màn hình vây quanh, lúc mới chào đời và cả lúc sắp lìa đời, trong khi những người giàu thì sẽ có khả năng chi trả để được tiếp xúc con người thật với nhau trong sinh hoạt hằng ngày.
Vậy phải chăng là nhân loại chúng ta sẽ trở thành những tài sản cân đong đo đếm được mà chỉ có một số người mới có thể trả tiền ra để mua được?