SỨC KHỎE

Tại sao nhiều người không mắc COVID-19 dù tiếp xúc với người bệnh?

TTO - Để làm sáng tỏ điều này, các nhà nghiên cứu tại Đại học London (Anh) đã tiến hành phân tích dữ liệu của 731 nhân viên y tế trong làn sóng lây nhiễm đầu tiên bùng phát ở nước này.

 

Trong đó có 58 người có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 mặc dù làm việc trong môi trường có nguy cơ cao.

Theo đó, nghiên cứu công bố mới đây trên tạp chí Nature giải thích nguyên nhân một số người không bị nhiễm SARS-CoV-2 có thể là nhờ phản ứng của tế bào T - tế bào bạch cầu đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể. 

 

Ngoài ra, cũng có thể họ đã từng phơi nhiễm với các loại virus thuộc họ corona như virus gây bệnh cảm lạnh thông thường. 

Cụ thể, khi virus SARS-CoV-2 xâm nhập, ở một số người có thể kích hoạt các tế bào T giúp cơ thể ghi nhớ những bệnh trước đây, qua đó đào thải virus trước khi virus gây ra các triệu chứng. 

Điều này có thể giải thích cho kết quả xét nghiệm âm tính ở một số người dù họ tiếp xúc với mầm bệnh.

Một số nghiên cứu công bố trước đó cũng cho thấy một số người có thể có đề kháng với virus SARS-CoV-2 cao hơn những người khác.

Kết quả nghiên cứu mới tại Anh được cho là có thể mở ra hướng đi mới trong phát triển vắc xin ngừa COVID-19, theo đó tập trung kích thích phản ứng của tế bào T thay vì phản ứng của kháng thể. Hướng đi mới có khả năng mang lại sự bảo vệ lâu dài hơn.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn khuyến cáo thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch COVID-19 như đeo khẩu trang ở không gian kín, hạn chế tiếp xúc xã hội, rửa tay thường xuyên, tiêm mũi vắc xin tăng cường...

 

 

 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục