SỨC KHỎE

Nhiều nước bắt đầu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19

Nhiều quốc gia bắt đầu tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 giữa lúc tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn cầu.

 

Ưu tiên nhân viên y tế

Từ ngày 5.12, thủ đô Moscow bắt đầu chủng ngừa Covid-19 với vắc xin Sputnik V của Viện Gamaleya tại 70 bệnh viện, phòng khám, đi tiên phong trên cả nước trong kế hoạch quy mô lớn tại Nga.
Tiêm vắc xin Covid-19 tại một bệnh viện ở Moscow, Nga ngày 5.12
ẢNH: AFP
Theo Reuters, các nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên công tác xã hội được ưu tiên vì là nhóm nguy cơ cao. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho hay chỉ trong 5 giờ đầu, đã có 5.000 người đăng ký chủng ngừa. Tổng thống Vladimir Putin đã chỉ đạo triển khai tiêm chủng tự nguyện trên cả nước trong tuần này, và Nga sẽ hoàn tất sản xuất 2 triệu liều trong vài ngày tới.
Chính phủ Anh hôm qua 6.12 cho hay nước này sắp trở thành quốc gia đầu tiên tiêm chủng vắc xin của Pfizer/BioNTech, với kế hoạch phân phối đến bệnh viện rồi mới tới các phòng khám. Từ ngày 8.12, những người trên 80 tuổi, nhân viên y tế tuyến đầu, nhân viên tại trung tâm dưỡng lão và người cao tuổi sẽ được ưu tiên tiêm ngừa.
Anh đã đặt mua đủ vắc xin để chủng ngừa cho 20 triệu người, trong đó khoảng 800.000 liều sẽ nhận được trong tuần này. Theo tờ The New York Times, sau Anh, Bahrain trở thành nước thứ 2 chứng nhận vắc xin của Pfizer/BioNTech, trong khi Mỹ dự kiến cũng sớm chứng nhận vắc xin này. Nhiều nước khác như Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, Mexico, Na Uy, Bulgaria... cũng chuẩn bị tiêm chủng các loại vắc xin Covid-19 khác nhau và ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao như nhân viên y tế.
Tại Trung Quốc, chính quyền các tỉnh đang đặt hàng các vắc xin nội địa, dù chính phủ chưa chính thức cho biết về kế hoạch phân phối trên cả nước, theo AP. Hiện hơn 1 triệu nhân viên y tế và những người có nguy cơ cao ở Trung Quốc đã được tiêm vắc xin Covid-19 theo kế hoạch sử dụng khẩn cấp. Ít nhất 5 vắc xin của 4 hãng Trung Quốc đang được thử nghiệm tại hơn 10 nước trên thế giới.

Lo ngại cho các nước nghèo

Trong bối cảnh nhiều nước xúc tiến kế hoạch chủng ngừa Covid-19, Liên minh Các sáng kiến đối phó dịch bệnh (CEPI) cảnh báo nguy cơ các nước nghèo bị bỏ qua trong nỗ lực khống chế dịch bệnh. “Nếu vẽ các bức tranh khắp thế giới về người ở các nơi giàu có đang nhận vắc xin và không có gì xảy ra ở những nơi đang phát triển thì đó là một vấn đề rất lớn”, theo AFP dẫn lời Phó giám đốc CEPI Frederik Kristensen.
CEPI thành lập năm 2017 và đang theo đuổi cam kết gây quỹ 1,1 tỉ USD để phát triển 9 vắc xin, trong đó có vắc xin của Moderna (Mỹ) và AstraZeneca (Anh).
Hiện CEPI cùng Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) nỗ lực cung cấp 2 tỉ liều để chia sẻ công bằng vắc xin trên toàn cầu trong sáng kiến COVAX.
Khoa học gia trưởng của WHO, bà Soumya Swaminathan, hôm qua cho hay COVAX hy vọng sẽ có 500 triệu liều vắc xin Covid-19 trong quý 1 năm 2021. Hiện 189 nước đã tham gia sáng kiến, trong đó không có Mỹ.
Theo chuyên gia này, nếu COVAX đạt mục tiêu có được ít nhất 2 tỉ liều trong năm tới, “giai đoạn cấp tính” của đại dịch có thể chấm dứt nhờ giảm tỷ lệ tử vong và tác động đối với sức khỏe. Tuy vậy, các chuyên gia cũng cảnh báo có được vắc xin là chưa đủ để chấm dứt đại dịch, các biện pháp phòng chống vẫn đóng vai trò quan trọng.
Theo Thanh Niên Online
 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục