Kết bạn với người già: Ngành dịch vụ hái ra tiền và đầy nhân văn trong mùa dịch COVID-19
Cuộc sống của hàng triệu người cao tuổi Mỹ tại nhà và trong các viện dưỡng lão khá cô đơn, kéo theo nhiều hệ lụy, và tình hình nghiêm trọng hơn khi dịch COVID-19 bùng phát.
Ông Bill Rodger, 91 tuổi, thường ngồi trên một chiếc ghế dài in hoa trong phòng khách ở phía bắc Hollywood, California (Mỹ) nhìn vào với bức tường ghi lại những khoảng khắc đáng nhớ nhất trong cuộc đời mình. Trên đó là những bức ảnh của ông chiến thắng các giải thi đấu thể thao cùng các phần thưởng và chụp với những người cháu qua nhiều thập kỉ.
“Tôi luôn muốn mình bận rộn, nhưng tôi đã không như thế trong một thời gian rất dài. Tôi nghĩ bây giờ tôi chỉ bận đi khám bệnh thôi,” ông Rodger chia sẻ.
Anh Ricardo Figueroa, 31 tuổi, không phải là một thành viên trong gia đình, người có trách nhiệm chăm sóc hay thậm chí không là hàng xóm của ông Rodger. Anh là một người bạn đồng hành được trả tiền, đã kết nối với ông Rodger thông qua dịch vụ Papa - công ty công nghệ y tế chuyên cung cấp “dịch vụ kết bạn với người cao tuổi”.
“Tình hình dịch bệnh bây giờ thật đáng sợ nhưng khi nói chuyện với cụ Rodger, tôi cảm thấy lạc quan lên nhiều,” anh Figueroa nói trên điện thoại. Tương tự như vậy, ông Rodger cho biết “Thật tốt khi nghe tin từ anh Figueroa”.
Được thành lập vào năm 2018, công ty Papa ghép cặp những người lớn tuổi với sinh viên đại học và những người lao động trẻ có cùng sở thích. Ông Rodger và anh Figueroa đều là những cựu quân nhân, thích xem phim tài liệu, chơi thể thao và uống bia, và sống chỉ cách nhau vài dãy nhà.
Do dịch bệnh COVID-19 vẫn lây lan mạnh ở Mỹ nên 5.000 nhân viên Papa thay vì ngồi chơi bài hay hàn huyên trực tiếp với khách hàng, thì nay chỉ có thể sử dụng ứng dụng FaceTime hoặc gọi điện thoại cho nhau. Một số người đã chuyển sang làm việc vặt, đi chợ hoặc đi mua thuốc. Tiền công cho họ là từ 11-14 USD/giờ, không bao gồm tiền boa và xăng xe ô tô.
Hãng Papa hiện cung cấp dịch vụ ở 20 bang của Mỹ và thường thu khách hàng mức phí từ 20- 25 USD/giờ. Mặc dù mức lương thấp, nhưng công việc bầu bạn với người già vẫn là công việc khá quan trọng trong xã hội Mỹ. Theo khảo sát năm 2018 của Quỹ Apeg Foundation, khoảng 1/3 người cao tuổi ở Mỹ bị cô lập về mặt xã hội, một tình trạng làm gia tăng rủi ro về mặt y tế bao gồm bệnh tim, ung thư, trầm cảm, tiểu đường và tự sát.
Ông Vivek Murthy, cựu bác sĩ phẫu thuật, cho biết sự cô đơn và sự cô lập xã hội có liên quan đến việc giảm tuổi thọ tương tự như việc hút 15 điếu thuốc/ngày. Và vấn đề này có ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống y tế.
Năm ngoái, có hàng nghìn ca cấp cứu ở thành phố Dallas không liên quan gì đến vấn đề ốm đau mà do các bệnh nhân này hoàn toàn bị cô lập về mặt xã hội, không có ai để giúp đỡ họ.
“Sự cô đơn cuối cùng đã được công nhận là một căn bệnh, không chỉ ở cấp độ cá nhân, mà còn từ góc độ y tế” ông Andrew Parker, 32 tuổi, người sáng lập Papa nói.
Papa là một trong số những công ty hướng tới việc trở thành một giải pháp cho các công ty bảo hiểm Mỹ mong muốn cắt giảm số tiền chi phí. Gia đình ông Rodger đang trả tiền cho hãng Papa vì cô Tanya Martin - cháu gái của ông Rodger, là người chăm sóc chính cho ông trong hơn bốn năm - không thể sắp xếp thời gian cả công việc chính là thợ cơ khí cho hãng máy bay và việc đưa ông Rodger đi lọc máu. Ông không nhận thêm sự trợ giúp nào từ hãng bảo hiểm và cũng không có tiền để thuê riêng người chăm sóc với mức phí khoảng 300 USD/ngày ở Los Angeles.
“Ông không cần chăm sóc y tế mà chỉ cần một người bầu bạn,” cô Martin nói. Thông qua công cụ tìm kiếm trên Google, cô đã tìm thấy hãng Papa.
Trong thời kỳ cách ly xã hội, cô Martin mặc dù đang làm việc tại nhà, nhưng vẫn không có đủ thời gian để chăm sóc đồng thời ông nội và đứa con trai 8 tuổi. Thay vào đó, anh Figueroa sẽ thỉnh thoảng đến nhà bầu bạn với ông Rodger, trong khi một người khác sẽ đưa ông đi chạy thận.
"Không có lựa chọn nào khác. Dịch vụ này đã giải cứu cho sự nghiệp và cho cuộc sống riêng của tôi," cô Martin nói.
Cụ Rodger và anh Ricardo Figueroa, 31 tuổi, một người cung cấp dịch vụ bạn đồng hành của hãng Papa (Ảnh: New York Times)
Ngành kinh doanh dịch vụ kết bạn với người cao tuổi
Cuộc sống của 1.5 triệu người già Mỹ trong các viện dưỡng lão khá cô đơn. Khoảng 1/5 số ca tử vong do nhiễm COVID-19 có liên quan đến các cơ sở điều dưỡng và nhân viên tại đây thường nhận mức lương thấp, áp lực công việc lớn và thường lo sợ lây nhiễm cho chính gia đình mình. Do thân nhân đã bị cấm tới thăm tại viện dưỡng lão khiến cho nỗi sợ hãi và sự cô lập tại các viện dưỡng lão càng thêm nghiêm trọng.
Ngay cả trước khi xảy ra đại dịch, những nhân viên trong viện dưỡng lão thường phải chăm sóc nhiều người và không có thời gian để nói chuyện với từng người. Do đó, những lời động viên tinh thần trở nên rất hiếm hoi.
“Không có một cuộc trò chuyện thực sự có ý nghĩa nào trong viện dưỡng lão. Người già không tìm thấy sự kết nối và tình cảm từ nhân viên,” bà Liz Barlowe, chủ tịch Hiệp hội chăm sóc người già, một tổ chức phi lợi nhuận đại diện cho lao động chăm sóc người cao tuổi, nói.
Đây là lý do sự ra đời của hãng Mon Ami, một công ty khác cung cấp các dịch vụ bầu bạn tại các viện dưỡng lão và tại nhà riêng. Gần đây, công ty này đã thành lập một dịch vụ gọi điện thoại tâm sự miễn phí để hỗ trợ người già trong thời gian bị cách ly xã hội. Dịch vụ này đã thu hút 300 tình nguyện viên trong vòng vài ngày.
Một trong những tình nguyện viên đó là cô Morgan Steele, 25 tuổi, điều phối viên nghiên cứu lâm sàng tại Đại học Stanford. Cô gần đây đã được ghép đôi với cụ ông Hugh Ping 77 tuổi, người mà cô hàng tuần trò chuyện nhiều lần.
Hãng Mon Ami gợi ý rằng những người bạn và khách hàng nên trò chuyện từ 15 - 30 phút mỗi lần, nhưng “chúng tôi thường dễ dàng nói chuyện với nhau lâu hơn quy định trên” - cô Steele nói.
Con gái của ông Ping, cô Deanna Ping, cho biết thật khó khăn khi bố mình không có cơ hội tiếp xúc với mọi người vì ông vốn là người rất thích giao tiếp. Ông Ping thường đi từ nhà mình ở Bay Area tới hiệu thuốc và các nhà hàng nơi ông quen biết tất cả các nhân viên tại đó.
“Thật tốt khi biết có nhiều người sẽ nói chuyện với ông,” cô Ping nói.
Thông thường, trong cuộc trò chuyện với cô Steele, cụ ông Ping so sánh cuộc sống hiện tại với thời ông là quân nhân phục vụ trong Không lực Mỹ khi nước này trải qua thời kỳ căng thẳng với Cuba.
“Chúng ta nghĩ rằng thật tồi tệ khi không được đi làm mà phải làm việc tại nhà, nhưng những lúc này giúp bạn nhận ra có những người thực sự đơn độc. Chỉ cần nói chuyện với ai đó khoảng 30 phút cũng sẽ giúp mỗi ngày trôi qua ý nghĩa hơn,” cô Steele nói.
Kiểm soát chất lượng dịch vụ
Đối với các vị trí đồng hành được trả lương, cả hai hãng Papa và Mon Ami đều sàng lọc các ứng viên thông qua việc kiểm tra lý lịch cá nhân, tiền sử lái xe và các cuộc phỏng vấn chuyên sâu.
Trong khi đa số bạn đồng hành đều có kinh nghiệm liên quan tới việc chăm sóc người già như là y tá, nhân viên xã hội hoặc sinh viên trường y, Mon Ami tìm kiếm những người có kỹ năng trí tuệ xã hội và cảm xúc, những người có thể xuất hiện và giao tiếp với một người hoàn toàn xa lạ.
Công việc này thực sự hấp dẫn cho sinh viên với thời khóa biểu linh hoạt và những người có nhiều thời gian rảnh. Nhân viên Mon Ami làm việc trung bình bốn giờ mỗi tuần.
Các doanh nghiệp này thường xuyên tiếp nhận những phản hồi về sự cải thiện tinh thần cho người cao tuổi và nhân viên. Bà Dangerfield-Cha khẳng định Mon Ami là lựa chọn tốt cho lĩnh vực chăm sóc người cao tuổi.
Mỗi ngày tại Mỹ có khoảng 10.000 người bước sang tuổi 65 và 43% cho biết họ nghĩ rằng mình sẽ trải qua năm tháng tuổi già tại nhà mình. Ước tính từ Cục điều tra dân số chỉ ra rằng người Mỹ trên 65 tuổi sẽ chiếm gần 20% dân số nước này vào năm 2030.
“Thực tế là xã hội chúng ta đang trải qua quá trình lão hóa nhanh chóng hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong lịch sử. Chúng ta cần tất cả các loại hình hỗ trợ,” bà Dangerfield-Cha nói.
Hãng Papa đang hợp tác với 10 công ty bảo hiểm bao gồm Humana, Aetna và Florida Blue, và một số công ty khác để cung cấp dịch vụ cho khách hàng mới. Tính đến nay, công ty này đã huy động được số tiền đầu tư lên tới 12.6 triệu USD.
Trong quá trình mở rộng hoạt động kinh doanh, hãng Papa vẫn muốn gìn giữ và nhân rộng các mối quan hệ tốt đẹp giữa khách hàng và người đồng hành, giống như trường hợp của anh Figueroa và ông Rodger. “Cặp đôi” này đang ấp ủ những kế hoạch lớn khi thời gian dịch bệnh qua đi.
"Nhờ ông Rodger, tôi muốn học chơi golf ngay bây giờ. Khi mọi việc trở về bình thường, chúng tôi chắc chắn sẽ đi chơi cùng nhau," Figueroa nói. Còn ông Rodger không giấu được sự phấn khích khi nghĩ tới ngày được ra sân golf.
Thu Ngọc