Bệnh viện đầu tiên áp dụng AI để phát hiện sớm các bệnh về mắt và ung thư
Một bệnh viện tại tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã trở thành bệnh viện đầu tiên áp dụng camera tích hợp trí thông minh nhân tạo (AI) nhằm phát hiện sớm các bệnh lý đáy mắt, qua đó giúp người bệnh phòng ngừa nguy cơ mất thị thực vĩnh viễn.
Công nghệ trên do Đại học Sun Yat-sen và hãng công nghệ Baidu của Trung Quốc hợp tác phát triển. Camera tích hợp AI này có khả năng phát hiện 3 chứng rối loạn đáy mắt, như bệnh võng mạc tiểu đường, tăng nhãn áp và thoái hóa điểm vàng. Đặc biệt, công nghệ này có thể đưa ra kết quả chỉ trong 10 giây mà không cần sự hỗ trợ của bác sĩ nhãn khoa.
Với tỷ lệ chính xác lên tới 94%, camera tích hợp AI đã được thử nghiệm tại nhiều bệnh viện ở 9 tỉnh của Trung Quốc. Theo Baidu, công nghệ tiên tiến này nhằm giảm tình trạng thiếu bác sĩ nhãn khoa, đặc biệt tại các vùng hẻo lánh.
Các bệnh lý đáy mắt là nguyên nhân chính dẫn tới mù lòa tại các nước đang phát triển, nơi thường xuyên thiếu hụt bác sĩ nhãn khoa và thiết bị khám chữa bệnh. Với dân số gần 1,4 tỷ người, song Trung Quốc chỉ có khoảng vài nghìn bác sĩ nhãn khoa có khả năng phân tích hình ảnh đáy mắt.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác cho thấy AI có khả năng phát hiện dấu hiệu tiền ung thư tốt hơn nhiều so với các chuyên gia đã qua đào tạo hay các phương pháp tầm soát truyền thống. Ông Mark Schiffman, tác giả nghiên cứu trên và là bác sĩ tại khoa Dịch tễ học ung thư và di truyền học của Viện ung thư Quốc gia của Mỹ, nhấn mạnh giới chuyên gia đang cố tìm ra phương pháp khám bệnh với chi phí thấp tối da, dễ dàng tối đa, song cũng chính xác tối đa để đẩy lùi ung thư cổ tử cung bằng vaccine, thông qua kỹ thuật đơn giản trên điện thoại di động
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, ung thư cổ tử cung là loại ung thư phổ biến thứ 4 đối với nữ giới với khoảng 570.000 ca mắc bệnh trong năm 2018. Trong năm 2012, gần 270.000 phụ nữ đã tử vong do căn bệnh này, 90% trong số này tập trung tại các nước có thu nhập trung bình và thấp.