Gánh nặng tàn phế của bệnh nhân đột quỵ
Nhiều người giữ được mạng sống sau đột quỵ nhưng bị liệt, rối loạn nuốt, suy giảm trí nhớ...
Ở Việt Nam, bệnh nhân đột quỵ đang tăng nhanh ở cả hai giới và các lứa tuổi. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khoảng 8-12% bệnh nhân bị nhồi máu não và 37-38% xuất huyết não dẫn đến tử vong trong vòng 30 ngày. Hơn 30% bệnh nhân đột quỵ bị tàn tật và hoàn toàn phụ thuộc, 30% phụ thuộc một phần, 50% không hồi phục chức năng tay.
Phó giáo sư Trần Việt Hồng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhân dân Gia Định, TP HCM, cho biết đột quỵ não gây tử vong và tàn tật hàng đầu. Y học hiện đã nhiều tiến bộ trong điều trị đột quỵ, cứu sống nhiều bệnh nhân. Tuy nhiên đây là bệnh để lại nhiều di chứng nặng nề và kéo dài cho không ít người sau khi xuất viện. Di chứng thường gặp là liệt nửa người, rối loạn nuốt, rối loạn ngôn ngữ, viêm phổi, co cứng, suy giảm trí nhớ, trầm cảm, loét tỳ đè... Nhiều người không thể tự đi lại phục vụ bản thân, cần đến sự hỗ trợ của người khác.
"Trước đây phục hồi chức năng thần kinh sau đột quỵ tiến hành sau khi bệnh nhân xuất viện, còn ngày nay có thể thực hiện ngay trong thời gian nằm viện", phó giáo sư Hồng chia sẻ.
Các y bác sĩ tham gia tập huấn hồi phục bệnh nhân sau đột quỵ tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Ảnh: H.H |
Bác sĩ Võ Văn Tân, Trưởng Khoa Nội Thần kinh, Bệnh viện Nhân dân Gia Định cho biết, trong các yếu tố nguy cơ của đột quỵ, mọi người cần chú trọng những yếu tố có thể thay đổi để tránh nguy cơ bệnh như ngưng hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, kiểm soát cân nặng, dinh dưỡng hợp lý, vận động thể lực đều đặn...
Cảnh giác đột quỵ khi có một hoặc các dấu hiệu
- Đột ngột tê dại, yếu hoặc liệt ở mặt, tay hoặc chân, thường ở một bên cơ thể.
- Nói hoặc lĩnh hội khó khăn.
- Đột nhiên mờ, giảm hoặc mất thị lực một hoặc cả hai mắt.
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc mất phối hợp động tác.
- Đột nhiên đau đầu nặng nề không giải thích được nguyên nhân.
Sơ cứu người đột quỵ
Cần chuyển ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có khả năng xử trí và cấp cứu đột quỵ. Trong khi chờ xe cấp cứu, nếu người bệnh tỉnh, đặt nằm nghiêng về bên lành, đầu hơi nâng nhẹ. Không cho ăn hoặc uống bất kỳ loại gì. Lấy bỏ các vật hoặc lau đờm dãi trong miệng có thể gây nên khó thở. Nếu liệt, khi vận chuyển cần trợ giúp và đặt nghiêng về bên lành.
Khi người bệnh hôn mê, tiến hành các bước trên, nếu không thấy mạch hoặc ngưng thở, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực (80-100 lần một phút) cho đến khi tim đập lại. Gọi điện thoại đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ.
Phục hồi chức năng sau đột quỵ não nhằm giảm thiểu các khiếm khuyết và biến chứng, nâng cao khả năng độc lập, hòa nhập cộng đồng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Một khóa tập huấn cho hơn 60 y bác sĩ Bệnh viện Nhân dân Gia Định cũng vừa diễn ra suốt một tuần từ ngày 30/7, nhằm giúp bệnh nhân hồi phục chức năng sau đột quỵ.
Lê Phương
Theo VNE