CÔNG NGHỆ SỐ

Chưa ra mắt, tiền điện tử Libra của Facebook đã bị phản ứng dữ dội

Kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử Libra của Facebook đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các nhà quản lý tài chính, nhóm người tiêu dùng và các nhà lập pháp.

Facebook có kế hoạch phát hành tiền điện tử Libra. Ảnh: BBC

Facebook có kế hoạch phát hành tiền điện tử Libra. Ảnh: BBC

Trong một động thái có thể định hình lại hệ thống tài chính thế giới, Facebook tiết lộ kế hoạch ra mắt đồng tiền điện tử mới trên toàn cầu có tên Libra hôm 18.6, sau hơn 1 năm bí mật phát triển.

Theo các tài liệu tiếp thị và các cuộc phỏng vấn với các giám đốc điều hành, Facebook đã liên kết với 28 đối tác trong một thực thể có trụ sở tại Geneva, được gọi là Hiệp hội Libra, cơ quan sẽ điều hành đồng tiền kỹ thuật số mới mà theo dự kiến ra mắt vào nửa đầu năm 2020.

Facebook cũng lập ra một công ty con có tên gọi là Calibra, cung cấp ví tiền điện tử hay ví kỹ thuật số để tiết kiệm, gửi và chi tiêu đồng Libra - theo Reuters. Calibra sẽ được kết nối với các nền tảng nhắn tin Facebook và Messenger và WhatsApp, vốn có hơn một tỉ người dùng theo Facebook.

Facebook hy vọng sẽ không chỉ tạo thêm sức mạnh cho các giao dịch giữa người tiêu dùng và doanh nghiệp trên toàn cầu mà còn cung cấp cho người tiêu dùng không thông qua ngân hàng quyền truy cập vào các dịch vụ tài chính lần đầu tiên.

Cái tên "Libra" hay "Thiên Bình" được lấy cảm hứng từ phép cân trọng lượng La Mã, một dấu hiệu trong khoa chiêm tinh học phương Tây mang nghĩa công lý, và trong tiếng Pháp còn có nghĩa là tự do - David Marcus, cựu giám đốc PayPal, người đứng đầu dự án của Facebook cho biết. "Tự do, công lý và tiền bạc, đó chính xác là những gì chúng tôi đang cố gắng làm ở đây" - ông Marcus nói.

Kế hoạch ra mắt đồng Libra của Facebook dù được kỳ vọng nhưng cũng tạo ra sự phản ứng dữ dội. Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói Libra không được trở thành một đồng tiền chủ quyền.

Từ Washington, Chủ tịch Uỷ ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Maxine Waters kêu gọi Facebook tạm dừng phát triển Libra cho đến khi các nhà lập pháp và các cơ quan quản lý kiểm tra những vấn đề này và có hành động.

Bà Waters nhắc lại những bê bối trước đây liên quan đến việc Facebook thu thập trái phép dữ liệu người dùng và kêu gọi các nhà điều hành Facebook làm chứng trước uỷ ban của bà.

Thượng nghị sĩ dân chủ Mỹ Sherrod Brown viết trên Twitter, “Facebook đã quá lớn và quá mạnh, và họ đã sử dụng sức mạnh đó để khai thác dữ liệu của người dùng mà không bảo vệ quyền riêng tư của họ. Chúng tôi không thể cho phép Facebook ra mắt một loại tiền điện tử mới đầy rủi ro ngoài tài khoản ngân hàng Thuỵ Sĩ mà không cần giám sát”.

Các nhà quản lý của Anh mặc dù chưa vẫy cờ đỏ trước thông tin tiền ảo Libra, song Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney nói hôm 19.6: “Bất cứ điều gì hoạt động trong thế giới này trở thành một hệ thống tức thì sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn quy định cao nhất”.

Nếu Libra muốn trở thành một đồng tiền hợp pháp trong hệ thống thanh toán của Anh, nó phải được Cơ quan Quản lý Tài chính Anh giám sát, cho thấy họ biết khách hàng của mình là ai và có quyền kiểm soát chống rửa tiền. Các công ty chuyển tiền hiện tại cho biết, việc tuân thủ tất cả các quy tắc có thể sẽ rất đắt đỏ và tốn kém.

Theo một bức thư mà tờ Financial Times có được, các quốc gia G7 có kế hoạch thành lập một nhóm làm việc để đánh giá rủi ro của các loại tiền ảo như Libra.

Vẫn chưa rõ có bao nhiêu trong số 2,38 tỉ người dùng Facebook trên toàn thế giới sẽ sử dụng Libra, nhưng với quy mô của mạng xã hội này, có thể Libra sẽ trở thành một lực lượng tài chính đáng kể.

 

 

 

 

 

 

SONG MINH

 

 

 

 

 

 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục