CÔNG NGHỆ SỐ

Mối nguy từ siêu AI thông minh nhất thế giới

(VnExpress) Siêu AI ChatGPT đang khiến giới công nghệ lo ngại vì có thể tiếp tay cho hacker viết mã độc, lập sàn giao dịch "đen", đạo văn...

ChatGPT, dựa trên mô hình GPT-3.5 của OpenAI, được đánh giá là AI thông minh nhất thế giới khi có thể trả lời đa dạng các câu hỏi thuộc nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nó cũng khiến giới chuyên gia và người dùng phấn khích lẫn lo sợ vì có thể tiếp tay cho kẻ xấu trong việc lừa đảo, phát tán virus một cách đơn giản, ít tốn kém.

Theo nghiên cứu của Check Point Research (CPR), ChatGPT có thể thực hiện thành công một quy trình lây nhiễm hoàn chỉnh, từ việc tạo email lừa đảo đến chạy một trình cài cắm, đánh cắp thông tin. Trên các diễn đàn ngầm về hacker, tội phạm mạng đã bắt đầu sử dụng siêu AI như một công cụ hỗ trợ. Dù mới ở giai đoạn cơ bản, theo thời gian, các phương thức sẽ trở nên tinh vi hơn, đe dọa trực tiếp đến an toàn của người dùng.

 

 

ChatGPT có thể bị lợi dụng cho mục đích xấu. Minh họa: Analytics Insight

 

 

 

 

ChatGPT viết phần mềm lừa đảo

Cuối 2022, chủ đề "ChatGPT - lợi ích của phần mềm độc hại" xuất hiện và thu hút sự quan tâm trên một số diễn đàn hacker. Một tin tặc cho biết đã ra lệnh cho siêu AI viết mã độc đánh cắp thông tin trên Python. ChatGPT đã tập hợp những phần mềm liên quan, tìm ra những ưu nhược điểm rồi tự viết một phần mềm lừa đảo mới. "Sản phẩm của AI có thể tự tìm các tệp được sử dụng nhiều trên thiết bị, sao chép vào một thư mục ngẫu nhiên rồi mã hóa máy chủ, đánh cắp thông tin, thậm chí chỉnh sửa và xóa toàn bộ thông tin trong hệ thống", hacker này mô tả.

Một hacker khác dùng ChatGPT viết một đoạn mã bằng ngôn ngữ Java. Nó có thể âm thầm tải một phần mềm điều khiển server từ xa và chạy một cách bí mật trên máy bị nhiễm mã độc.

Trong khi đó, hacker có biệt danh USDoD công khai một tập lệnh Python do AI viết để thực hiện lệnh mã hóa và giải mã tập tin bị nhiễm độc. Người này khẳng định ChatGPT đã dùng chính những dòng code của mình để tạo ra phiên bản lừa đảo tinh vi hơn. Thoạt nhìn tập lệnh có vẻ đơn giản, nhưng thực hiện được nhiều chức năng khác nhau.

Điều khiến cộng đồng lo ngại là USDoD không phải hacker giỏi về kỹ thuật, nhưng với sự hỗ trợ của ChatGPT, anh ta đã bắt đầu xây dựng được tên tuổi của mình khi chia sẻ các tệp dữ liệu quan trọng mới đánh cắp được.

Lập chợ Dark Web bằng siêu AI

Không chỉ viết phần mềm lừa đảo, ChatGPT còn được tội phạm mạng dùng để xây dựng chợ buôn bán bất hợp pháp trên Dark Web. Ngay trong ngày đầu năm 2023, một hoạt động mới của tội phạm mạng đã xuất hiện với sự tiếp tay của siêu AI.

Theo CPR, với vài câu lệnh, ChatGPT có thể tạo ra "chợ ngầm" chuyên phục vụ việc buôn bán tự động các tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán bị đánh cắp. Trên chợ này, tin tặc thậm chí trao đổi các phần mềm độc hại, ma túy, vũ khí và thanh toán bằng tiền mã hóa.

Một số tin tặc cũng đang mở các cuộc thảo luận trên diễn đàn ngầm, hướng dẫn cách dùng ChatGPT cho việc lừa đảo, viết sách điện tử rồi bán trực tuyến, hay dùng Dall-E 2, cũng của OpenAi, để vẽ tranh rồi bán trên các nền tảng phổ biến như Etsy.

Nỗi lo của các trường học

Sau khi các bài báo, bài nghiên cứu khoa học viết bằng ChatGPT được chia sẻ trên mạng, một số trường đại học trên thế giới tuyên bố cấm cửa AI, yêu cầu sinh viên viết luận bằng giấy để chống đạo nhái.

Guardian dẫn lời tiến sĩ Matthew Brown, Phó giám đốc điều hành tổ chức nhóm tám đại học hàng đầu Australia (The Group of Eight), rằng các trường đang xem xét lại cách thức đánh giá, kiểm tra sinh viên trước sự bùng nổ của AI. Các thay đổi sẽ được áp dụng trong năm 2023. Các hình thức thi trên giấy với sự giám sát của giám thị sẽ được khôi phục.

Ông Toby Walsh, giảng viên chuyên ngành AI tại Đại học New South Wales, nhận định việc đầu tư công nghệ để chống gian lận AI không hiệu quả, do đó việc quay về cách thức thi truyền thống là hợp lý.

Hàng loạt trường công lập ở New York cũng cấm học sinh và giáo viên sử dụng ChatGPT trong trường do lo ngại siêu AI có thể khiến sinh viên "thui chột" khả năng tư duy.

ChatGPT bắt đầu được cho sử dụng thử từ cuối tháng 11 năm ngoái. Đây là một dạng chatbot có thể tương tác, trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dùng, thay vì liệt kê hàng loạt đường link như các công cụ tìm kiếm hiện tại. Chương trình nhanh chóng thu hút chú ý và được giới công nghệ gọi là siêu AI bởi khả năng trả lời câu hỏi, viết văn, dựng kịch bản... theo ý người dùng một cách nhanh chóng. Trước ChatGPT, một số AI khác GPT-3 và Dall-E 2, cũng thuộc OpenAI, cũng tạo ấn tượng và nhận được đánh giá cao từ người dùng và giới chuyên gia.

Khương Nha (theo Guardian, CPR)

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục