Phát hiện hồ nước rộng 20 km dưới bề mặt sao Hỏa
Bằng chứng mới về hồ nước rộng 20 km gần cực nam sao Hỏa làm dấy lên hy vọng về khả năng tồn tại sự sống trên hành tinh đỏ.
Hồ nước mới phát hiện nằm dưới mũ băng ở cực nam sao Hỏa và rộng khoảng 20 km, BBC hôm nay đưa tin. Nghiên cứu trước đây tìm thấy bằng chứng về nước lỏng chảy gián đoạn trên bề mặt hành tinh đỏ, nhưng đây là bằng chứng đầu tiên về một vùng nước liền mạch còn tồn tại ngày nay.
Các lòng hồ mà robot thăm dò Curiosity của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) từng khám phá chỉ ra nước từng xuất hiện trên bề mặt sao Hỏa trong quá khứ. Tuy nhiên, sau đó khí hậu hành tinh trở nên rất lạnh do bầu khí quyển mỏng dần, khiến phần lớn nước bị đóng thành băng. Hồ nước lỏng được tìm thấy thông qua thiết bị radar Marsis trên tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo sao Hỏa Mars Express.
Marsis không thể xác định độ sâu của lớp nước, nhưng nhóm nghiên cứu ước tính độ sâu tối thiểu là một mét. "Nơi này có đủ điều kiện để phân loại là hồ nước. Một hồ nước chứ không phải nước băng tan chảy đổ vào khoảng trống giữa lớp băng và đất đá như thường gặp ở các sông băng trên Trái Đất", giáo sư Roberto Orosei ở Viện Vật lý Thiên văn Quốc gia Italy, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết.
Hồ nước được tìm thấy như thế nào?
Dữ liệu của Marsis chỉ ra vùng có độ tương phản cao (màu xanh dương) là hồ nước. Ảnh: USGS. |
Những thiết bị radar như Marsis xem xét bề mặt và lớp đất trung gian dưới bề mặt hành tinh bằng cách phát tín hiệu và kiểm tra thông tin phản hồi. Dải màu trắng liên tục trong hình ảnh radar đánh dấu nơi bắt đầu trầm tích nhiều lớp ở cực nam, nơi băng và bụi tích tụ giống như bánh ngàn lớp. Ở bên dưới vùng này, các nhà nghiên cứu phát hiện điểm bất thường.
"Bạn có thể thấy phần màu xanh dương nhạt là nơi ánh sáng phản chiếu từ đáy mạnh hơn phản chiếu ở bề mặt. Đối với chúng tôi, đây là dấu hiệu mách bảo về sự hiện diện của nước", giáo sư Orosei nói.
Ý nghĩa đối với sự sống
"Đã từ lâu chúng tôi biết rằng bề mặt sao Hỏa không phù hợp với sự sống, do đó công cuộc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa ngày nay tập trung vào bên dưới hành tinh. Đó là nơi có thể tránh bức xạ nguy hiểm, áp suất và nhiệt độ thuận lợi hơn. Quan trọng nhất là môi trường này cho phép nước lỏng tồn tại, yếu tố rất cần thiết với sự sống", tiến sĩ Manish Patel ở Đại học Mở, Anh, giải thích.
Tàu vũ trụ Mars Express với ăngten dài 40 mét của thiết bị Marsis. Ảnh: Pinterest. |
Nguyên tắc dựa theo nguồn nước rất quan trọng trong sinh vật học vũ trụ, ngành nghiên cứu sự sống tiềm năng ngoài Trái Đất. Vì vậy, dù phát hiện chỉ ra nước lỏng có tồn tại, nhóm nghiên cứu không xác nhận bất kỳ thông tin nào khác. "Chúng tôi chưa tiến gần tới tìm thấy sự sống, nhưng phát hiện này cung cấp cho chúng tôi địa điểm để xem xét trên sao Hỏa. Nó giống như một tấm bản đồ kho báu, ngoại trừ việc sẽ có nhiều địa điểm được đánh dấu X", BBC dẫn lời tiến sĩ Patel.
Nhiệt độ và hóa chất trong nước cũng có thể là một vấn đề đối với bất kỳ dạng sống tiềm năng nào trên sao Hỏa. Để duy trì trạng thái lỏng trong điều kiện lạnh như vậy (nhóm nghiên cứu ước tính nhiệt độ ở mức từ -10 đến -30 độ C ở nơi mặt nước tiếp giáp lớp băng bên trên), nhiều khả năng trong nước có lượng lớn muối hòa tan.
"Có thể đó là nước muối cực lạnh, một thách thức đối với sự sống", tiến sĩ Claire Cousins, nhà sinh vật học vũ trụ ở Đại học St Andrews, Anh, suy đoán.
Bước tiếp theo
Các nhà khoa học cho biết cần nghiên cứu sâu hơn để xác định những đặc điểm của hồ nước. "Việc cần làm lúc này là lặp lại phép đo ở khu vực khác để tìm kiếm bằng chứng tương tự và nếu có thể, kiểm tra mọi giả thuyết và loại trừ. Có thể phát hiện sẽ mở ra một phi vụ thăm dò sao Hỏa mới nhằm khoan sâu xuống hồ nước bị chôn vùi này, tương tự như cách làm đối với hồ nước bên dưới sông băng ở Nam cực", tiến sĩ Matt Balme ở Đại học Mở, cho biết.
Tuy nhiên, khoan xuống bề mặt sao Hỏa có thể là một dự án tham vọng. "Tới đó và thu thập bằng chứng cuối cùng không phải nhiệm vụ dễ dàng. Cần phóng robot có thể khoan qua lớp băng dày 1,5 km và phát triển một số công nghệ chưa có sẵn hiện nay", giáo sư Orosei nói.
An Khang
Theo VNE