Một trăm năm mươi giờ vòng quanh thế giới bằng máy bay... năng lượng mặt trời
Nhà thám hiểm liều lĩnh Fyodor Konyukhov, người vừa bay vòng quanh trái đất trên một quả khinh khí cầu sắp lại có một cuộc phiêu lưu mới.
Ông đang lên kế hoạch bay vòng quanh thế giới bằng máy bay năng lượng mặt trời do các nhà phát triển Nga chế tạo.
Một dự án mới, được gọi là Albatross, đang nhắm tới mục tiêu tạo ra một chiếc máy bay sử dụng năng lượng mặt trời để có thể lần đầu tiên thực hiện chuyến bay vòng quanh trái đất mà không cần ngừng nghỉ.
Hiện các nhà nghiên cứu vẫn còn phải thu thập thêm nhiều dữ liệu, trước khi bắt đầu tiến hành dự án vào năm 2020. Phòng thí nghiệm quang điện vừa được ra mắt hồi cuối tháng 10 tại Skolkovo, trung tâm công nghệ lớn nhất của Nga, nằm ở Moscow.
Máy bay năng lượng mặt trời đầu tiên trên thế giới do người Nga chế tạo.
Là một phần của dự án, các nhà phát triển đã khởi động một phòng thí nghiệm thiết bị bay bằng quang điện, một phương pháp chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng điện. Nó được trang bị các mô-đun năng lượng mặt trời linh hoạt và độc đáo do công ty TEEMP có trụ sở tại Moscow, Nga sản xuất.
Sergey Kurilov, Tổng giám đốc TEEMP cho biết: “Các mô-đun năng lượng mặt trời này sẽ có hiệu suất cao hơn 22% so với trước đây, và có khả năng hấp thụ cả hai dạng ánh sáng mặt trời: trực tiếp và bức xạ”.
Các mô-đun năng lượng mặt trời linh hoạt được lắp đặt trên bề mặt trên và dưới của cánh, nóc và thân máy bay. Một máy sưởi điện cho phép duy trì nhiệt độ thích hợp bên trong máy bay trong các chuyến bay dài ở độ cao lớn.
Mikhail Lifshits, người đứng đầu dự án Albatross cho biết, bên cạnh một loạt các giải pháp công nghệ mới để hiện thực hóa chuyến bay vòng quanh thế giới, phòng thí nghiệm quang điện là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình này.
Ông cũng cho biết: “Chúng tôi vẫn chưa biết lượng năng lượng mặt trời mà máy bay sẽ có thể hấp thụ ở các vĩ độ khác nhau và vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Và các nhà chế tạo cần tính toán chính xác hơn để thiết kế máy bay”.
Chuyến bay vòng quanh thế giới này sẽ diễn ra ở độ cao từ 12 đến 14km, với tốc độ trung bình 210km/h. Máy bay được dự kiến sẽ vượt qua hành trình dài 35.000km trong 150 giờ, với đường bay qua Úc, New Zealand, Chile, Argentina, Brazil và Nam Phi.
Ước tính 80% hành trình của chuyến bay sẽ bay trên các vùng biển Thái Bình Dương, Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương.
Theo Tiền Phong