Khoa học

Đèn chiếu sáng điều khiển cây ra hoa ở Việt Nam

Các nhà khoa học Việt đã sản xuất ra loại đèn chiếu sáng có thể ngăn hoặc kích thích cây ra hoa và đặc biệt tiết kiệm điện.

Gia đình ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông Dân phường 12, thành phố Đà Lạt trồng 6.000 m2 hoa cúc cắt cành. Để hoa nở đúng thời vụ, bán được giá, ông Dinh phải sử dụng bóng đèn để chiếu sáng mỗi đêm trên bảy giờ. Ông Dinh tính toán, cứ 1.000 m2 thì phải dùng 120 bóng 20W. Một vụ phải thắp đèn chiếu 30 ngày. Một năm có ba vụ thì chi phí tiền điện khoảng 1,6 triệu đồng. 

Như vậy với 6.000 m2, mỗi năm ông Dinh chi gần 11 triệu đồng tiền điện. Ông cho biết, ở làng hoa Thái Phiên của Đà Lạt có 350 ha trồng hoa trong nhà kính. Dùng đèn chiếu sáng thông thường, riêng tiền điện phải chi tới 10 tỷ đồng/năm.

Mới đây, ông Dinh được giới thiệu một loại đèn mới do các nhà khoa học Việt Nam sản xuất, có thể giảm thời gian chiếu sáng mà cây ra hoa đều, đẹp hơn, ông quyết định dùng thử.

Bóng đèn compact CFL - 20W NN R660 cho ánh sáng đỏ, chiếu trên cây hoa cúc chỉ bốn tiếng mỗi đêm. Cây phát triển tốt, đạt chiều cao tiêu chuẩn của hoa cắt cành, lá xanh, thân mập, bông hoa màu sắc đẹp, độ đồng đều cao.

“So sánh sử dụng hai loại bóng đèn vàng và đỏ cùng công suất 20W để chiếu sáng trên cây hoa cúc thì ánh sáng đỏ sẽ tiết kiệm được từ 40 đến 50% chi phí chiếu sáng (giảm khoảng 800.000 đồng/1.000 m2/một năm)”, ông Dinh chia sẻ.

Đèn ánh sáng đỏ dùng chiếu sáng cho hoa cúc ở làng hoa Tây Tựu, Hà Nội. Ảnh: P. Hòa.

Đèn ánh sáng đỏ dùng chiếu sáng cho hoa cúc ở làng hoa Tây Tựu, Hà Nội. Ảnh: P. Hòa.

Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm nông nghiệp thuộc Sở NN&PTNT Quảng Ninh, nơi chuyên nuôi cấy mô cũng phải sử dụng 100% ánh sáng nhân tạo, chiếu sáng 16/24 giờ. Chi phí cho quá trình thắp sáng và làm mát chiếm đến 90% tổng năng lượng của một quy trình nhân giống. 

Trung tâm sau đó đã thay đèn huỳnh quang HQ T10-40W balast sắt từ, không có máng chao sang đèn huỳnh quang máng mới chiếu trên các cây: ba kích, lan hồ điệp...

Đèn mới được cải tiến thích hợp cho quang hợp của cây, giúp cây giống sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với đèn huỳnh quang thông thường. Cường độ chiếu sáng mạnh, ánh sáng tập trung nên cây mọc cao, thẳng, phát triển mạnh ở ngọn. Do ánh sáng của dàn đèn mới khuếch tán đều xung quanh bình nuôi cấy nên những lá lớp dưới của cây nuôi trong dàn đèn này cũng có khả năng quang hợp, hô hấp tốt hơn so với dàn đèn cũ.

ThS Ngô Thị Nguyệt, Giám đốc Trung tâm cho biết, ngoài việc nâng cao hiệu quả nhân giống và chất lượng cây giống đèn HQ NN B/R có ưu điểm là tiết kiệm điện năng (giảm 40% - 50%). Do vậy, có thể khẳng định đây là giải pháp thay thế cho các phòng thí nghiệm nuôi cấy mô hiện nay. 

Nghiên cứu đáp ứng nhu cầu thực tế

Các loại đèn trên là kết quả từ đề tài cấp nhà nước về Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống chiếu sáng chuyên dụng (mã số ĐM.06.DN/13) thuộc Chương trình Đổi mới công nghệ Quốc gia đến năm 2020. Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông chủ trì phối hợp với các viện nghiên cứu thuộc Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Nông nghiệp Việt Nam thực hiện.

Đề tài được giao thiết lập quy trình sử dụng các hệ thống chiếu sáng phù hợp nhân giống in-vitro (loại ưa sáng, ưa bóng, trung tính), điều khiển ra hoa của hoa cúc (cây ngày ngắn-SDP) và cây thanh long (cây ngày dài-LDP) ở các vùng sinh thái khác nhau, nhằm tiết kiệm tối đa năng lượng.

Triển khai từ năm 2013 đến 2016, nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ chế tạo bột huỳnh quang đa thành phần có phổ phát xạ phù hợp trong nuôi cấy mô, cho hoa cúc và cây thanh long. 

20 loại bột huỳnh quang được chế tạo, ứng dụng vào sản xuất đèn chuyên dụng cho nuôi cấy mô. Nhóm cũng xây dựng quy trình lắp đặt, sử dụng các hệ thống này. 

Cán bộ kỹ thuật theo dõi các chỉ số phát triển của cây trong phòng nuôi cấy mô. Ảnh: P. Hòa.

Cán bộ kỹ thuật theo dõi các chỉ số phát triển của cây sử dụng đèn chiếu sáng chuyên dụng. Ảnh: P. Hòa.

Ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông, chủ nhiệm đề tài cho biết, các quy trình công nghệ chế tạo được lặp lại để đối sánh, có độ tin cậy cao, đáp ứng yêu cầu sản xuất công nghiệp. Sản phẩm của đề tài đạt các chỉ tiêu kỹ thuật trong phòng thí nghiệm, cho hiệu quả tốt thể hiện qua các mô hình thử nghiệm tại nhiều địa phương.

Năm 2017, quy trình lắp đặt và sử dụng đèn huỳnh quang chuyên dụng trong nuôi cấy mô cho một số loại cây trồng đã được Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là tiến bộ kỹ thuật.

Bích Ngọc

Theo VNExpress

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục