Khoa học

Dây điện mỏng nhất thế giới

Các nhà khoa học đã chế tạo những sợi dây điện mỏng nhất có thể (ảnh), bằng cách sử dụng các đoạn nhỏ xíu của kim cương gọi là diamondoid để lắp dây điện có bề ngang chỉ bằng 3 nguyên tử. 

Họ dùng những chất liệu kết nối đặc biệt là nguyên tử lưu huỳnh và đồng để các diamondoid khớp lại với nhau như thể lắp hình LEGO. Quan trọng nhất là chúng tạo ra điện năng thông qua hoạt động di chuyển.

“Điều mà chúng tôi trình bày ở đây là chúng tôi có thể tạo ra những sợi dây điện nhỏ xíu và dẫn điện tốt ở kích thước nhỏ nhất có thể”, theo chuyên gia Hao Yan của Đại học Stanford (Mỹ) trình bày báo cáo trên chuyên san Nature Materials. “Tiến trình thực hiện hết sức đơn giản. Bạn quẳng các nguyên liệu vào với nhau và thu được kết quả trong vòng nửa giờ. Giống như thể các diamondoid biết được chúng cần phải di chuyển đến đâu”, tiến sĩ Yan cho biết.

Đây không phải là lần đầu tiên giới nghiên cứu tìm cách chế tạo dây điện ở cấp độ nano, có năng lực truyền tải dòng điện, nhưng đội ngũ chuyên gia Mỹ khẳng định chuỗi diamondoid bề ngang 3 nguyên tử là cấu trúc nhỏ nhất có thể xây dựng được. Chuyên trang IEEE Spectrum dẫn lời Nicholas Melosh, một thành viên của đội nghiên cứu, cho hay nhiều biện pháp tự lắp ráp ở cấu trúc phân tử đã được thử nghiệm, nhưng khó có thể đạt được thành quả như ý muốn. Nhóm của ông đã xác định lõi dây điện làm từ 3 nguyên tử là bề ngang tối thiểu, cho phép các electron có thể lưu chuyển.
Phát minh mới hứa hẹn sẽ mở ra viễn cảnh ứng dụng rộng rãi trong thời đại công nghệ thông minh, chẳng hạn như dệt sợi nano vào vải để tạo năng lượng, hoặc tạo tiền đề cho sự xuất hiện của các dạng vật liệu mới tương thích với thiết bị điện tử.
Phi Yến
Theo TNO

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục