GIÁO DỤC

Chương trình giáo dục mới có giảm áp lực cho học sinh?

TTO - Sau khi Bộ GD-ĐT công bố chương trình giáo dục mới, vẫn còn nhiều băn khoăn liệu chương trình mới có khắc phục được tình trạng quá tải đang đè nặng lên học sinh không.

Ông Nguyễn Xuân Thành, phó vụ trưởng Vụ giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, đã trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề này.

* Chương trình giáo dục phổ thông mới sau khi công bố, có nhiều ý kiến cho rằng vẫn chưa giảm tải được nhiều so với trước đây, căn cứ vào số môn, số tiết giảm không nhiều. Chương trình THPT thậm chí còn tăng số môn so với các lần dự thảo trước đó. Về điều này, quan điểm của ông thế nào?

- Giảm tải về kiến thức, nhất là những kiến thức hàn lâm để bảo đảm gắn nội dung dạy học với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi phương pháp dạy học tích cực là yêu cầu bắt buộc của chương trình giáo dục định hướng phát triển năng lực học sinh. 

Vì vậy chương trình giáo dục phổ thông mới đã xây dựng một số môn học mới trên cơ sở tích hợp nội dung của các môn học hiện hành như môn công nghệ và tin học, lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên để khắc phục triệt để sự trùng lặp kiến thức giữa các môn học hiện nay, để kiến thức gắn với thực tiễn.

Từ đó, số môn học ở cấp THCS giảm, tổng số môn học cấp THPT thì tăng lên do bổ sung môn âm nhạc và mỹ thuật nhưng học sinh chỉ phải lựa chọn 5 trong số 10 môn học lựa chọn, nên số môn học mà một học sinh học chỉ là 10 môn và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, nội dung giáo dục địa phương. Như vậy, xét về số môn học và số tiết học ở cấp THCS và cấp THPT đều giảm.

Số môn học của bậc tiểu học tăng lên để đáp ứng yêu cầu tăng cường ngoại ngữ, tin học ngay từ cấp tiểu học được thực hiện 2 buổi/ngày. Việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cũng chính là giải pháp quan trọng để giảm tải cho học sinh. 

Chương trình cấp tiểu học thiết kế dạy học 2 buổi/ngày nhưng không vượt quá 30 tiết/tuần nên đối với những nơi chưa đủ điều kiện vẫn có thể dạy học 1 buổi/ngày và Bộ GD-ĐT sẽ có hướng dẫn riêng.

Chương trình giáo dục mới có giảm áp lực cho học sinh? - Ảnh 2.

Học sinh lớp 4.1 Trường tiểu học Phú Thọ, quận 11, TP.HCM trong tiết học ngoại ngữ bằng laptop. Đây là môn học bắt buộc từ lớp 3 theo chương trình mới - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Vậy thì hiểu thế nào về việc giảm tải, thưa ông?

- Sự giảm tải của chương trình không phải chỉ được thể hiện bởi giảm số môn, số tiết mà quan trọng hơn là lượng kiến thức trong mỗi môn học/hoạt động giáo dục. Thời gian học sinh học ở trường không phải chỉ ngồi học trong lớp mà có nhiều môn học/hoạt động giáo dục được thực hiện bên ngoài không gian lớp học như giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm, chuyên đề học tập.

Về nội dung giáo dục, tuy số tiết dành cho các môn học cơ bản giữ không đổi (vì đó là quỹ thời gian cho phép) nhưng lượng kiến thức được tinh giản, gắn với thực tiễn để có thời gian dành cho học sinh học tích cực, tự lực để tiếp nhận và vận dụng kiến thức. 

Ngoài hoạt động trải nghiệm riêng, trong mỗi môn học đều có tính đến thời lượng dành cho học sinh hoạt động trải nghiệm vận dụng kiến thức. Điều đó mới thực sự là giảm tải để đáp ứng mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.

* Vậy theo ông, để thực sự "giảm tải" khi chương trình đã thiết kế xong thì cần làm những việc gì?

 

- Trước hết, sách giáo khoa cần phải được biên soạn thể hiện đúng mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá của chương trình. Số tiết quy định cho mỗi môn học/hoạt động giáo dục là quỹ thời gian dành cho môn học/hoạt động giáo dục đó. 

Căn cứ vào đó, các bài học trong sách giáo khoa phải hướng tới việc tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực của học sinh theo tiến trình sư phạm của phương pháp dạy học tích cực.

Thứ hai, cần tập trung bồi dưỡng để giáo viên làm tốt hơn công việc hiện nay, đó là tổ chức tốt mỗi hoạt động học theo 4 bước: giao nhiệm vụ (với việc sử dụng sách giáo khoa) cho học sinh; theo dõi, giúp đỡ học sinh thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích học sinh trình bày, thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ; nhận xét, đánh giá, "chốt" kết quả.

Làm tốt hai vấn đề trên, mỗi bài học học sinh đều được khuyến khích để học tích cực, như vậy sẽ thực hiện đúng mục tiêu giảm tải để phát triển năng lực của chương trình.

* Đổi mới phương pháp dạy học, cách tổ chức dạy học sẽ khó có thể lan tỏa cho dù được tập huấn, nếu cán bộ quản lý không thay đổi tư duy dẫn tới quản trị trong các nhà trường thay đổi. Bộ GD-ĐT có giải pháp gì để hướng dẫn và thúc đẩy việc này?

- Cán bộ quản lý, nhất là hiệu trưởng nhà trường có vai trò quyết định trong việc hiện thực hóa chủ trương giảm tải. Vì vậy, trong nhiều năm qua, bộ đã không ngừng chỉ đạo đổi mới tổ chức và quản lý các hoạt động chuyên môn trong nhà trường. 

Cụ thể là giao quyền chủ động cho giáo viên, tổ chuyên môn xây dựng kế hoạch giáo dục. Kết quả triển khai mấy năm qua là khả quan. Trong thời gian tới, cùng với việc bồi dưỡng giáo viên, công tác tập huấn cho cán bộ quản lý, đặc biệt là hiệu trưởng, được bộ đặc biệt coi trọng.

Cùng với đó, bộ đang xây dựng các văn bản quy định cụ thể và tăng cường kiểm tra, giám sát để bảo đảm giải pháp then chốt đã nêu trong nghị quyết 29/NQ-TW là "Đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo" được thực thi hiệu quả.

VĨNH HÀ thực hiện

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục