Cô giáo mỉm cười khi bị... học trò đánh
Ở các ngôi trường phổ thông khác, cô giáo bị học trò đánh là 'chuyện động trời' nhưng với cô Phạm Thị Thảo (giáo viên Trường chuyên biệt Tương Lai Huế) lại là chuyện thường ngày. Và mỗi lần như vậy, cô chỉ mỉm cười dỗ dành các em...
Lớp học không tuổi
Bước chân vào lớp học của cô giáo Phạm Thị Thảo ở Trường chuyên biệt Tương Lai Huế (thuộc Trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi Thừa Thiên- Huế), chúng tôi gặp ngay những học sinh đặc biệt với đủ tư thế. Lớp học có 8 học sinh, em nhỏ nhất 6 tuổi, em lớn nhất 17 tuổi. Trong khi em nhỏ nhất vẫn nằm u ơ với ánh mắt vô hồn khi có khách lạ, ở một góc khác, em lớn tuổi nhất lại ngồi xếp bằng cứ như một “thiền sư”, miệng nở nụ cười vô cảm. Ở đây, trường xếp lớp không theo độ tuổi mà theo nhận thức và tri giác của trẻ.
Cô Thảo là một trong những giáo viên có thâm niên công tác và vẫn “bám trụ” với nghề ở đây. Tốt nghiệp chuyên ngành giáo dục mầm non từ năm 2004, đến năm 2006, cô Thảo xin vào làm hợp đồng tại trường. Trường hoạt động từ kinh phí đóng góp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thông qua một dự án của Văn phòng Tư vấn di truyền và hỗ trợ trẻ khuyết tật - Trường ĐH Y Dược Huế, nên lương của giáo viên cũng không theo ngạch bậc của nhà nước.
“Ngày mới vào dạy, lương của em 600.000 đồng/tháng, nhưng tiền thuê nhà đã là 500.000 đồng/tháng. Chừng ấy tiền làm sao mà sống, nhưng vì cái nghiệp với nghề và được chồng động viên, giúp đỡ nên em mới bám trụ đến hôm nay”, cô Thảo chia sẻ. Sau hơn 12 năm công tác, đến nay lương của cô giáo Phạm Thị Thảo cũng chỉ được 3.170.000 đồng/tháng.
Chỉ có thể là tình yêu
Dạy một đứa trẻ bình thường đã vất vả, dạy các trẻ bị khiếm khuyết càng khó gấp nghìn lần. Ở đây, bữa cơm trưa của cô giáo chỉ đến khi các cháu đã say giấc. Nhưng không có bữa cơm trọn vẹn, vì bất ngờ có cháu bật dậy tung cửa chạy ra sân, bộ áo quần của cô thay vì thơm hương xà phòng lại lấm lem mùi mồ hôi...
“Mỗi em mỗi kiểu hành vi và cảm xúc khác nhau. Các học sinh ở đây đều mắc các chứng khuyết tật và thiểu năng trí tuệ, tự kỷ nặng… nên hành vi cũng muôn kiểu kỳ lạ”, cô Thảo nói. Chỉ vào một học sinh cao lều khều ngồi trong góc và luôn miệng ú ớ, cô tiếp: “Như em này, rất thích âm thanh. Chỉ cần tiếng gõ bàn, vỗ tay hay nghe nhạc là em đều bị kích động mạnh. Còn em ngồi trong góc như “thiền sư” có thân hình mập mạp kia thì không làm chủ được đại tiểu tiện. Bởi vậy, nhiều em đã hơn 10 tuổi nhưng phải mang bỉm cả ngày. Có em đi vệ sinh xong còn bôi lên đầy áo quần, mặt mày... Cả 8 học sinh hiện tại khi ăn đều phải đút, đi vệ sinh các cô phải rửa”.
|
Niềm vui của các cô giáo dạy trẻ khuyết tật đôi khi chỉ là tiếng cười òa sung sướng khi học sinh tự đút được cơm ăn, và nhẹ lòng khi nhìn cháu bé viết được những nét chữ nguệch ngoạc trên đôi bàn tay bị khiếm khuyết. Đôi khi lại mãn nguyện khi nghe tiếng gọi bi bô “Cô ơi!” từ một học trò đã hơn 10 tuổi. “Buồn có, nghĩ ngợi cũng có, nhưng nhìn vào ánh mắt vô tư, tiếng cười hồn nhiên của các cháu và lòng tin mà phụ huynh đã gửi gắm thì tất cả đều bỏ lại sau lưng. Chúng tôi chỉ biết một điều là cố gắng, cố gắng nhiều hơn nữa mà thôi”, cô Phạm Thị Thảo trải lòng.
Là mẹ của 3 con nhỏ, nhưng cô Thảo dành thời gian nhiều hơn cho những học trò kém may mắn ở lớp. Cô bảo, càng gần và biết rõ bệnh tật của các em, càng thấy thương hơn. “Ẩn sâu bên trong con người thiểu năng, bệnh tật của các em đều có tâm hồn và trái tim biết yêu thương. Bởi vậy, khi gần các em, chúng tôi cảm nhận các em rất cần tình thương và cũng có cách thể hiện tình cảm đặc biệt đối với những người yêu thương mình. Chỉ có tình yêu thương thực sự mới giúp chúng tôi có đủ sức mạnh để kiên trì dạy dỗ cho các em tiến bộ”, cô Phạm Thị Thảo nói.
Theo TNO