GIÁO DỤC

Sinh viên tài năng phải công bố công trình khoa học trước tốt nghiệp

ĐH Quốc gia TP.HCM vừa thông qua đề án đào tạo cử nhân, kỹ sư tài năng giai đoạn mới 2018 - 2022. Điểm mới đáng lưu ý là những quy định bắt buộc người học về năng lực nghiên cứu, ngoại ngữ và hoạt động ngoại khóa.

 

Sinh viên chương trình tài năng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành /// Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Sinh viên chương trình tài năng Trường ĐH Bách khoa TP.HCM trong giờ thực hành
ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH
 
 
Tăng số lượng ngành
Theo thống kê của ĐH Quốc gia TP.HCM, giai đoạn 2013 - 2017 có 21 chương trình tài năng được thực hiện với quy mô 1.882 sinh viên (SV). Trong đó, ĐH này hỗ trợ kinh phí thực hiện cho 10 chương trình (10 triệu đồng/SV/năm khối ngành kinh tế và xã hội; 12 triệu đồng/năm cho ngành khoa học và kỹ thuật). Các chương trình còn lại sử dụng nguồn kinh phí đối ứng từ các đơn vị. Nhưng đa số các chương trình tài năng ở các đơn vị giai đoạn này chỉ đều tuyển sinh trên 70% so với chỉ tiêu.
Theo đề án giai đoạn mới vừa được thông qua, ngoài các chương trình hiện hành sẽ còn mở ra với các ngành đạt chuẩn kiểm định quốc tế (ABET, AUN-QA...) và ưu tiên cho ngành đào tạo theo định hướng nghiên cứu của đơn vị thành viên.
PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa, cho biết hiện trường đang có 11 chương trình tài năng. Trong giai đoạn mới này, trường bổ sung thêm 4 chương trình đã đạt kiểm định quốc tế gồm: cơ kỹ thuật, kỹ thuật môi trường, quản lý công nghiệp, kỹ thuật hệ thống công nghiệp.
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, thông tin trường sẽ mở rộng chương trình tài năng cho nhóm các ngành ngôn ngữ vào năm 2019. Hiện nay trường có các ngành văn học, lịch sử và ngôn ngữ học.
Chuẩn đầu ra cao hơn đại trà
Một điểm mới đáng lưu ý trong đề án này là SV tài năng bắt buộc phải tham gia nghiên cứu khoa học. Trong đó, 10% người học phải có bài báo khoa học được công bố và 100% SV tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học riêng lẻ hoặc theo nhóm. Ngoài ra, tất cả SV phải tham gia thực tập thực hành tại các đơn vị doanh nghiệp. Hiện nay, theo thống kê từ ĐH này, tỷ lệ sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học chỉ đạt 34%.
Theo đề án, trường thành viên cần có các quy định bắt buộc SV công bố công trình khoa học trước khi tốt nghiệp hoặc có cơ chế khuyến khích bằng điểm thưởng vào điểm luận văn tốt nghiệp hay các hình thức khen thưởng khác. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại khóa là một trong các tiêu chí xét tốt nghiệp của SV tài năng.
Riêng về chuẩn đầu ra tiếng Anh, các trường quy định chuẩn riêng nhưng phải đảm bảo chuẩn cao hơn của SV đại trà. Để đạt được mục tiêu này, trường phải giảng dạy chuyên môn bằng ngoại ngữ. Trong giai đoạn cơ sở ngành và chuyên ngành, mỗi học kỳ SV phải học ít nhất 1 môn học được giảng dạy bằng ngoại ngữ hoặc song ngữ.
Chương trình tài năng được tăng cường thêm một số môn học về phương pháp nghiên cứu khoa học, lãnh đạo, khởi nghiệp…
Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ nhìn nhận, việc tăng cường và khuyến khích SV tài năng tham gia nghiên cứu là hướng đi bắt buộc cần có để tạo nên sự khác biệt so với SV đại trà. Còn PGS-TS Bùi Hoài Thắng cho biết sẽ giao đề tài bắt buộc SV đăng ký chứ không chỉ yêu cầu tham gia đơn thuần. Riêng chuẩn tiếng Anh đầu ra, hiện Trường ĐH Bách khoa đang quy định SV tài năng phải đạt 550 điểm TOEIC (trong khi SV đại trà là 500 điểm).
Không đạt yêu cầu sẽ bị loại giữa chừng
Theo đề án, SV tài năng được tuyển từ những SV trúng tuyển vào các trường ngay năm đầu tiên hoặc năm thứ 2 với kết quả tuyển sinh cao, kết quả học tập tốt, điểm trung bình tích lũy năm đầu ĐH (nếu có) từ khá trở lên. Đề án này cũng quy định các điều kiện được tiếp tục tham gia chương trình tài năng, trong đó có ràng buộc tối thiểu về xếp loại học lực từ khá trở lên và kèm các điều kiện khác.

Theo TNO

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục