GIÁO DỤC

Phải thay đổi cách biên soạn đề thi

Việc một số thí sinh thừa nhận có yếu tố may mắn trong khi đạt điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua là căn cứ để một lần nữa các giáo viên đặt vấn đề về tính phân hóa của đề thi.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 /// Ngọc Dương
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018
NGỌC DƯƠNG
 
Là thí sinh duy nhất của TP.HCM và là một trong 2 TS đạt điểm tuyệt đối môn toán mà đề thi khiến dư luận “dậy sóng”, Nguyễn Trần Công Đạt, Trường THPT Trần Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM), thành thật chia sẻ: “Một phần nhờ may mắn, bởi toán không phải là sở trường do đó khoảng 6 - 7 câu khó, là những dạng toán khó, chưa từng gặp nên em chủ yếu sử dụng khả năng phán đoán, loại trừ để chọn đáp án cho bài thi trắc nghiệm”.
Tiến sĩ Lê Thống Nhất, một chuyên gia về toán, khẳng định để đạt điểm 10 nhờ vào sự may mắn là hoàn toàn hợp pháp và là quyền của học sinh (HS) bởi đây là môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Đồng thời, việc đề khó, không phù hợp với thời gian làm bài đã đẩy HS phải hoàn thành bài thi bằng cách “hú họa”.
Thạc sĩ N.H.D, giảng dạy tại một trường THPT chuyên TP.HCM, nói rằng ngay khi thí sinh hoàn thành môn thi, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về tính phân hóa. Nhưng đến thời điểm này, khi Bộ chính thức công bố kết quả thi, qua việc chỉ có 2 thí sinh đạt điểm 10, đặc biệt lại còn nhờ vào “hên xui” thì mục tiêu phân hóa của đề thi càng thất bại một cách nặng nề hơn.
Ông Trần Văn Toàn, Tổ trưởng Tổ toán Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), phân tích một đề thi quá dễ, ai cũng làm được và một đề thi quá khó, HS giỏi cũng chịu thua sẽ là như nhau, không đánh giá được HS, đặc biệt những HS khá trở lên. Với đề thi môn toán vừa qua, một HS dù có học lực giỏi thực chất cũng không thể hoàn thanh trong vòng 90 phút. Rõ ràng đề thi đã bộc lộ sự bất cập, chỉ dừng lại ở việc đánh giá HS yếu - trung bình - khá còn sự phân hóa giữa HS khá với giỏi đã bị triệt tiêu.
Trước thực tế này, thạc sĩ N.H.D nhấn mạnh: “Bộ chắc chắn phải thay đổi cách biên soạn đề thi. Trước hết cần sát với nội dung giảng dạy và học tập, phải đúng yêu cầu về hình thức. Tức là trắc nghiệm phải đúng trắc nghiệm chứ không thể khoác áo trắc nghiệm còn bản chất lại là tự luận. Như vậy là không công bằng và đàng hoàng với HS”. Bộ cũng cần có sự tính toán khoa học và thực tiễn trong việc phân bổ giữa thời gian và mức độ đề thi. Bởi năm nay, đề thi vừa khó vừa dài khiến thí sinh không kịp thời gian để làm nên dẫn đến việc “đánh lụi”.
Theo TNO

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục