GIÁO DỤC

Lý do khiến sinh viên trượt học bổng du học

Thiếu hiểu biết về các loại học bổng và không chuẩn bị tốt "câu chuyện của đời mình" là hai lý do khiến sinh viên trượt học bổng du học.

Chị Lê Kim An Nhiên từng bị từ chối học bổng 12 lần trong 10 năm, trước khi nhận Học bổng Chính phủ New Zealand năm 2016 để học thạc sĩ Học viện Kỹ nghệ Unitec, chuyên ngành Truyền thông quốc tế. Hiện, chị quản lý Dự án tại công ty Green Horizon, là một trong những người sáng lập thư viện "Đủng đỉnh đọc" nhằm khuyến khích trẻ đọc sách.

Tại hội thảo "Thành công trong tương lai, không dừng ở kỹ năng" do Cơ quan Giáo dục New Zealand (ENZ) tổ chức ở Hà Nội ngày 23/11, chị An Nhiên chia sẻ ba lý do trượt bọc bổng nói chung và học bổng New Zealand nói riêng.

Thiếu hiểu biết về các loại học bổng

Mỗi học bổng có tiêu chí và hướng đến đối tượng riêng. Có học bổng tập trung vào người làm việc cơ quan nhà nước, có học bổng hỗ trợ phụ nữ thuộc nhóm yếu thế, một số không quá chú trọng vào thành tích học tập tại trường nhưng lại đề cao kinh nghiệm làm việc sau đại học. 

Chị An Nhiên chia sẻ trải nghiệm của mình khi từng nộp hồ sơ học bổng cho quỹ Ford. Vượt qua vòng đầu tiên, chị được gọi đi phỏng vấn và lúc đó mới biết tiêu chí của quỹ Ford là hỗ trợ phụ nữ ở vùng sâu, vùng gặp nhiều khó khăn.

"Trong ba tiêu chí, tôi chỉ đảm bảo được một là phụ nữ nên đương nhiên không nhận được học bổng. Trường hợp như tôi, trượt học bổng không hẳn là thiếu khả năng mà vì không phù hợp với tiêu chí của họ", chị An Nhiên chia sẻ.

Vì vậy, trước khi nộp hồ sơ, ứng viên cần tìm hiểu rõ học bổng này hướng đến ai, có phù hợp với mình không. Mỗi học bổng sẽ có cách viết thư xin khác nhau, nhấn mạnh vào sự phù hợp giữa tiêu chí của học bổng và khả năng của bạn.

Chị Lê Kim Anh Nhiên. Ảnh: Thanh Hằng

Chị Lê Kim An Nhiên. Ảnh: Thanh Hằng

Chưa chuẩn bị tốt "câu chuyện của đời mình"

"Bản chất của việc phỏng vấn xin học bổng là bạn kể cho người khác nghe câu chuyện về cuộc đời mình. Từ đó, người hỏi sẽ hiểu bạn là người như thế nào, đã vượt qua khó khăn ra sao và mong muốn điều gì", chị An Nhiên nói.

Trong câu chuyện của mình, người nộp phải thể hiện được lĩnh vực muốn học, chứng minh rằng đã quan tâm đến một vấn đề từ lâu và không tìm ra câu trả lời tại đất nước mình, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng sẽ giải quyết được vấn đề đó nhờ vào kiến thức học được tại nước ngoài.

Ví dụ, trong quá trình đi học và đi làm ở Việt Nam, bạn nhận thấy có một số vấn đề về giáo dục, y tế, môi trường, truyền thông... gây ra những cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển đất nước. Bạn trăn trở về điều này trong thời gian dài, đã tìm nhiều cách nhưng không có câu trả lời. Khi tìm hiểu về nền giáo dục New Zealand và về các ngành học, bạn nhận thấy đây có thể là câu trả lời bạn đã tìm kiếm bấy lâu, giúp bạn giải quyết những vấn đề còn tồn đọng ở nước mình. 

Dựa vào những gì ứng viên nói, đại diện tổ chức giáo dục hoặc chính phủ sẽ quyết định có đầu tư cho bạn không. Người cho học bổng không cần bạn trả lại tiền mà mong muốn người nhận có thể kiên trì theo đuổi mục tiêu tốt đẹp, lan tỏa sức ảnh hưởng của bản thân nhờ vào kiến thức học được từ đất nước họ. 

Bạn có thể làm dày dặn thêm câu chuyện của mình thông qua các khóa học, hoạt động xã hội, cuộc thi tài năng... và "không bao giờ là quá trễ để mỗi người tự viết câu chuyện của chính mình".

Chị An Nhiên cho rằng, vì mỗi học bổng có tiêu chí riêng nên một câu chuyện cần được kể, nhấn mạnh các chi tiết theo những cách khác nhau. Ví dụ, học bổng New Zealand là học bổng phát triển, đánh giá cao những bạn có tố chất lãnh đạo và sự ảnh hưởng đối với cộng đồng. Ứng viên phải thể hiện được điều này trong hồ sơ và vòng phỏng vấn của mình.

Làm hồ sơ gấp rút

Thông thường, để hoàn thiện hồ sơ xin học bổng cần từ 6 tháng đến một năm, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của hồ sơ và trình độ tiếng Anh của ứng viên.

Để xin học bổng New Zealand, ứng viên phải trải qua các vòng như chuẩn bị hồ sơ (bảng điểm, chứng chỉ tiếng Anh, CV), làm bài trắc nghiệm, phỏng vấn... Tất cả giấy tờ để xin học bổng đều phải bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt có công chứng nên bạn phải có khoảng thời gian nhất định để hoàn tất. 

Ngoài ra, IELTS 6.5 là điểm cơ bản để bạn có thể nộp đơn xin học bổng, nhưng vì sẽ có nhiều ứng viên nộp đơn nên điểm IELTS càng cao thì khả năng cạnh tranh của bạn càng lớn, giúp tăng cơ hội được vào vòng trong. Việc có kết quả IELTS 6.5 trở lên cần ôn luyện, không thể có kết quả trong thời gian ngắn nên ứng viên cần chuẩn bị kỹ càng.

Thanh Hằng

Theo VnExpress

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục