GIÁO DỤC

Khuyến khích thành lập thư viện tư nhân để phát triển văn hóa đọc

Các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam đã góp phần đánh thức tiềm năng đọc của hàng ngàn trẻ em ở khắp các vùng miền, thúc đẩy thói quen đọc sách ở mỗi cá nhân và văn hóa đọc trong xã hội.

Chính vì vậy, việc khuyến khích thành lập và tạo điều kiện để thư viện tư nhân phát triển góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy văn hóa đọc, nâng cao dân trí và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam.

Thư viện tư nhân phát triển ở nhiều địa phương

Ông Phùng Bá Hưng, quản lý Thư viện tư nhân Dương Liễu ở xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội cho biết: Thư viện Dương Liễu được thành lập từ tháng 9/2013. Trải qua hơn 5 năm xây dựng và phát triển, Thư viện Dương Liễu hiện có tổng cộng gần 4.000 đầu sách, mở cửa 10 tiếng/tuần, thu hút gần 1.800 bạn đọc đăng ký làm thẻ thành viên.

Chú thích ảnh
Thư viện tư nhân Dương Liễu góp phần hình thành văn hóa đọc cho trẻ em nông thôn. Ảnh: Anh Đức

Không chỉ đơn thuần phục vụ bạn đọc sách, báo, Thư viện tư nhân Dương Liễu còn tổ chức hơn 50 hoạt động sự kiện có ý nghĩa như quyên góp sách giáo khoa, quần áo tặng các em nhỏ vùng cao, làm bánh chưng ngày Tết, thăm hỏi và tặng các gia đình, cụ già có hoàn cảnh khó khăn… Thư viện này được Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá là một mô hình thư viện tư nhân hoạt động có hiệu quả tại Việt Nam.

Tủ sách của dòng họ Hà Duyên mang tên Hà Duyên Đạt do ông Hà Duyên Sơn sáng lập tại xã Xuân Lai, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa năm 2012 với 2.700 đầu sách gồm 8.000 cuốn.

Kể từ khi thành lập tủ sách, các cháu nhỏ miền quê nghèo xã Xuân Lai có chỗ vui chơi, học tập sau giờ tan học. Người dân có nơi để đọc sách trong khoảng thời gian nhàn rỗi, các cụ già có không gian hàn huyên, chia sẻ nhiều thông tin bổ ích.

Đến nay, thư viện đã có trên 500 bạn đọc ở mọi lứa tuổi được cấp thẻ thường xuyên. Tiếng lành đồn xa, bạn đọc đến với thư viện sách của gia đình ông Sơn không chỉ là người dân trong xã mà còn có bạn đọc đến từ các xã lân cận như Xuân Minh, Thọ Trường, Xuân Yên… Bình quân mỗi ngày có từ 30-50 bạn đọc đến đọc và mượn sách, trong kỳ nghỉ hè có ngày lên tới 90 lượt bạn đọc.

Cô giáo Ngô Thị Hồng Vân, Chủ nhiệm Thư viện tư nhân Vân Tùng (xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên) kể, Thư viện tư nhân Vân Tùng thành lập năm 1994 với tên gọi ban đầu là “Tủ sách gia đình Vân Tùng” nhằm thỏa mãn niềm đam mê đọc sách của gia đình. Lúc mới thành lập, tủ sách chỉ có khoảng 200 cuốn, theo thời gian, lượng sách tăng dần đến hàng nghìn cuốn.

Nhiều người đến nhà cô chơi thấy nhiều sách quá nên hỏi mượn, cô giáo Ngô Thị Hồng Vân cũng đồng ý cho mọi người mượn đọc chung. Thế rồi, người nọ mách người kia, lượng người đến mượn sách ngày càng tăng, trong số đó có rất nhiều học sinh mà cô Vân đang dạy… Trải qua 25 năm, đến nay, thư viện đã có hơn 4.000 đầu sách báo, phục vụ hàng chục nghìn lượt bạn đọc.

Có thể nói, những mô hình thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng đang phát triển ở nhiều địa phương. Các thư viện này thường được thành lập bởi các cá nhân có tâm huyết, các dòng họ, nhóm thuộc một công ty, tổ chức như nhóm giáo viên, cựu chiến binh về hưu...

Khuyến khích để thư viện tư nhân phát triển

Chính phủ đã quan tâm và tạo điều kiện để phát triển các thư viện tư nhân từ rất sớm. Năm 2009, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 02/2009/NĐ-CP quy định về tổ chức hoạt động của thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Trải qua hơn 10 năm, hoạt động thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam đã phát triển nhiều mặt.

Theo thống kê của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), cả nước hiện có 102 thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng. Trong đó, 71 thư viện tư nhân hoạt động như thư viện công cộng, 13 thư viện tư nhân chuyên ngành, 18 thư viện tư nhân hoạt động với hình thức của các thư viện do các gia đình, dòng họ. Số người sử dụng thường xuyên tại thư viện tư nhân lên đến 536.284 bạn đọc (trung bình 6.094 bạn đọc/thư viện/năm).

Đánh giá về hoạt động của các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) khẳng định, trong nhiều năm qua, các thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng ở Việt Nam phát triển mạnh, đóng góp không nhỏ vào việc phát triển văn hóa đọc, tạo không gian cho người dân học tập suốt đời. Một số thư viện tư nhân, không chỉ đơn thuần phục vụ đọc sách báo, mà còn trang bị cho người đọc, đặc biệt là các em nhỏ kỹ năng sống, ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh, thân ái, biết yêu thương chia sẻ…

Nói về vai trò và đóng góp của thư viện tư nhân, ông Nguyễn Quang Thạch, người sáng lập Chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam cho rằng, tủ sách tư nhân của các cá nhân, dòng họ đã góp phần đánh thức tiềm năng đọc của hàng ngàn trẻ em ở khắp các vùng miền.

Điều đó khẳng định, sự hiện diện của tủ sách trong cộng đồng, sự tận tâm của những người sáng lập và quản lý tủ sách đóng vai trò quan trọng trong quá trình thúc đẩy thói quen đọc sách ở mỗi cá nhân, văn hóa đọc…

Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế phù hợp nhằm khuyến khích các cá nhân trong xã hội cùng tham gia, tạo cơ hội tiếp cận sách cho hàng chục triệu người từ vùng đồng bằng đến vùng sâu, vùng xa.  

Theo ông Nguyễn Quang Thạch, Nhà nước cần nghiên cứu về cấu trúc cộng đồng tại các vùng miền để đưa ra khung chính sách hợp lý, vừa kích thích các thành viên xã hội làm tủ sách, dễ dàng hỗ trợ hoạt động các tủ sách trong cộng đồng dân cư.

Cụ thể, quản lý nhà nước cần xem hệ thống tủ sách gia đình, dòng họ, nhà chùa, xứ đạo… là hoạt động tất yếu của người dân, không cần đưa ra những ràng buộc khắt khe về quy mô, về nghiệp vụ thư viện. Bên cạnh đó, Nhà nước cần hỗ trợ các chủ sở hữu tủ sách về  phương pháp quản lý, khuyến đọc, thường xuyên cập nhật về các đầu sách không được lưu hành.

Các thư viện cấp huyện, tỉnh nên kết nối với các nhà xuất bản để cập nhật các đầu sách mới xuất bản, luân chuyển sách của thư viện huyện và tỉnh đến các tủ sách cộng đồng. Ông Thạch đề nghị không cần cấp phép cho các tủ sách tư nhân hoạt động phục vụ cộng đồng; các cá nhân kinh doanh hoạt động thư viện nên áp dụng theo Luật Doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thạch cho rằng, hiện đang có hàng trăm ngàn thầy cô giáo công tác tại các vùng nông thôn, miền núi. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các thầy cô giáo làm tủ sách phục vụ học sinh, bởi khi có hàng trăm ngàn tủ sách như Tủ sách Văn Bùi của thầy giáo Bùi Văn Đông ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, hay Thư viện tư nhân Vân Tùng của cô giáo Ngô Thị Hồng Vân ở huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên… sẽ có hàng triệu người đọc, trong đó có rất nhiều học sinh được hưởng lợi. Làm được như vậy, các thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng sẽ có những đóng góp không nhỏ trong việc phát triển văn hóa đọc, nâng cao dân trí cho người dân.

Phương Lan (TTXVN)

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục