GIÁO DỤC

Học phí của một sinh viên bao nhiêu là đủ?

Đây là một trong những nghiên cứu về tài chính giáo dục trong nhóm của GS Ngô Bảo Châu công bố tại hội thảo 'Ước tính tỷ suất sinh lợi và chi phí đơn vị trong giáo dục ĐH VN' diễn ra hôm qua (20.8) tại Hà Nội, do Viện Nghiên cứu cao cấp về toán tổ chức.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Tài chính - Marketing /// Ngọc Dương
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Tài chính - Marketing
NGỌC DƯƠNG
 
Cũng theo nghiên cứu, ngành nông nghiệp có mức sinh lợi rất thấp, sư phạm có mức lợi tức thấp hơn nhiều ngành.
Bằng cấp cao, thu nhập cao
Trong chuyên đề “Ước tính mức sinh lợi cá nhân của việc đi học đại học của sinh viên VN”, tiến sĩ Trần Quang Tuyến, Trường ĐH Kinh tế Hà Nội, một thành viên của nhóm nghiên cứu, đã công bố những kết quả mới nhất mà ông và các cộng sự thu nhận được sau khi phân tích dữ liệu quý 1/2018 mà Tổng cục Thống kê cung cấp. Qua đó, nhóm đã có một số phát hiện mang ý nghĩa gợi ý cho việc điều chỉnh chính sách. Chẳng hạn, theo tính toán của nhóm, cứ thêm mỗi năm đi học thì mức thu nhập theo giờ của người lao động tăng thêm khoảng 6 - 7% (theo thuật ngữ kinh tế, tỷ lệ tăng thêm này được gọi là mức lợi tức giáo dục). Tuy nhiên, mức lợi tức giáo dục cho cá nhân này của VN thấp hơn so với thế giới (khoảng 10%) và thấp hơn nhóm nước có thu nhập trung bình thấp (8,9%).
Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy thu nhập bình quân của các nhóm người lao động nếu phân theo bằng cấp ở ta cũng tuân theo quy luật chung của các nước, đó là người có bằng cấp cao hơn thì có thu nhập cao hơn đáng kể. Cụ thể, so với những người không hoàn thành tiểu học thì những người có trình độ từ tiểu học cho tới sau ĐH sẽ tăng từ 80 - 102%. Những người học ĐH ở bất kỳ ngành nào cũng đều có mức thu nhập cao hơn so với những người không học ĐH.
 
 
Học phí của một sinh viên bao nhiêu là đủ? - ảnh 2

Nếu áp chi phí đơn vị trên đầu sinh viên mức mà hầu hết các trường đang thực hiện là quá thấp so với sàn đảm bảo chất lượng

 
 

Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp

 
Nhóm cũng đã tính toán được mức độ sinh lợi cá nhân của từng ngành học. Cụ thể, ngành an ninh quốc phòng có lợi tức cao nhất với mức thu nhập cao hơn 60% so với những người không học ngành này. Ngành nông nghiệp có mức sinh lợi rất thấp, còn ngành sư phạm có mức lợi tức thấp hơn nhiều ngành, chỉ cao hơn ngành nông nghiệp. Theo tiến sĩ Tuyến, so sánh này đã kiểm soát các điều kiện về giới tính, kinh nghiệm làm việc, nơi sinh sống cũng như khu vực sinh sống là như nhau.
Mức học phí hợp lý
Tiến sĩ Phạm Hùng Hiệp, một đại diện khác trong nhóm nghiên cứu của GS Ngô Bảo Châu, cũng báo cáo chuyên đề Sử dụng phương pháp đối sánh để tính chi phí đơn vị cho giáo dục ĐH VN. Theo tiến sĩ Hiệp, chi phí đầu tư nhà nước và học phí của giáo dục ĐH VN hiện chưa bằng GDP. Trong khi đó với nhiều nước thì mức đầu tư trên hẳn GDP đầu người như: Thái Lan, Mỹ, Canada, Anh…
“Chúng tôi thử tính theo GDP đầu người năm 2013 ở ta là 1.900 USD thì chi phí đơn vị là 2.627 USD (khoảng 56 triệu đồng/sinh viên/năm). Đây là chi phí đơn vị hợp lý để tương ứng nằm trên mức trung bình chung của thế giới. Nếu tính theo GDP năm 2018 thì chi phí đơn vị cho giáo dục ĐH của ta hiện nay đáng ra phải là 61 triệu đồng/sinh viên/năm”, ông Hiệp cho biết.
Theo tính toán của nhóm tác giả, mức chi phí đơn vị hợp lý của VN năm 2013 là 55 triệu đồng, ước tính vào khoảng 140% so với GDP trên đầu người.
Tiến sĩ Hiệp cho rằng nhóm cũng đã khảo sát cách tính chi phí đơn vị của nhiều trường và các chương trình đào tạo khác nhau ở VN năm 2013 thì nhận thấy phần lớn đều áp mức chi phí đơn vị là 20 triệu, 10 triệu đồng trở xuống. Tuy nhiên, cũng có những ngoại lệ, chẳng hạn chương trình tiên tiến của Bộ GD - ĐT là ngang bằng GDP, hoặc các trường ĐH RMIT, ĐH Anh quốc VN, ĐH Tài chính - Marketing cũng đều trên mức hợp lý. “Nếu áp chi phí đơn vị trên đầu sinh viên mức mà hầu hết các trường đang thực hiện là quá thấp so với sàn đảm bảo chất lượng”, ông Hiệp khuyến cáo.
Theo ông Hiệp, nếu tính đủ chi phí đơn vị, và phân định mức độ sinh lợi cá nhân của từng ngành, các nhà đầu tư (bao gồm nhà nước) mới có đủ căn cứ để đưa ra chính sách đầu tư, trong đó bao gồm việc xác định mức thu học phí.
“Theo tính toán của tiến sĩ Tuyến thì tỷ suất sinh lợi của các ngành khác nhau trong cùng thời gian học ĐH là khác nhau. Như vậy, có thể đặt vấn đề là: nếu tỷ suất sinh lợi cá nhân cao thì đóng học phí cũng phải cao. Tỷ suất sinh lợi cá nhân thấp mà sinh lợi cho xã hội nhiều thì phần nhà nước phải đóng nhiều”, tiến sĩ Hiệp nói.
Ông Hiệp cũng nêu ví dụ tại Úc nhà nước đầu tư nhiều cho các ngành nông nghiệp, y dược, công nghệ - kỹ thuật, nhưng đầu tư rất ít cho luật (nên phần đóng học phí của người học với ngành này rất cao), đầu tư vừa phải cho nghệ thuật, nhân văn.
Theo TNO

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục