CHIA SẺ TRONG TUẦN

Virus Corona - phép thử tình người

Loại virus làm chúng ta sợ hãi ngay bây giờ không phải là corona, mà là định kiến và sự hoảng loạn thái quá, tạo nên phân biệt chủng tộc ở nhiều quốc gia.

Khi Bethany Ao rẽ vào ngã tư con phố Fifth và Spruce Streets trên đường đạp xe đi làm vào sáng thứ Hai tuần trước (3/2), cô đã nghe thấy một điều mà chưa bao giờ chứng kiến ở Philadelphia (Mỹ) trước đây. Một người phụ nữ lớn tuổi muốn Ao chờ cho đến khi bà băng qua đường, trước khi cô đi vào làn đường dành cho xe đạp. Bà ta tức giận vì Bethany Ao không làm điều đó, rồi hét lớn, chửi rửa quốc tịch của Ao. Những lời từ miệng người phụ nữ trung niên này nặng nề và xúc phạm đến mức một người giao hàng trên phố phải ngoái đầu nhìn với nét mặt sửng sốt tột độ. Hai ngày sau đó, cũng là một buổi sáng thường nhật khi Ao đạp xe đi làm, một người đàn ông nhìn chằm chằm cô từ vỉa hè và hét lên: "Trung Quốc!!!".

Là một phóng viên người Mỹ gốc Hoa, Ao hẳn đã quen với những câu hỏi như "bạn đến từ đâu" trong các cuộc phỏng vấn hay trò chuyện với mọi người. Nhưng vài tuần qua, cô chứng kiến làn sóng kỳ thị châu Á gia tăng mạnh mẽ tại Philadelphia, nhất là kể từ khi Trung Quốc bùng phát dịch viêm phổi do virus corona. Dù thành phố nơi cô đang sống không có trường hợp nào được xác nhận nhiễm nCoV nhưng sự kỳ thị ấy vẫn diễn ra. 

'Mối nguy hại' của người tóc đen da vàng 

Người đi bộ đeo khẩu trang tại trung tâm thành phố Toronto, Canada. Ảnh: Shutterstock.

Sự bùng phát về dịch nCoV đã khiến cả thế giới lo sợ. Dịch bệnh bắt nguồn từ một chợ hải sản ở Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) đã khiến hơn 60.000 trường hợp nhiễm bệnh, hơn 1.300 ca tử vong. Không chỉ có ở Trung Quốc đại lục, nhiều bệnh nhân được phát hiện ở nhiều quốc gia, châu lục khác trên thế giới. Virus lây lan nhanh chóng, nhưng sự hoảng loạn về nó còn lan nhanh hơn. Lúc này, nỗi lo sợ về virus corona cũng trở thành cái cớ để làn sóng phân biệt chủng tộc nổi lên, với triệu chứng chính: sự thù địch đối với người Trung Quốc và người gốc Á.

Người Trung Quốc và người châu Á đang đối mặt với những ánh mắt nghi ngờ, dò xét ở khắp mọi nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ và các nước phương Tây. Phóng viên John Pomfret của Washington Post viết: "Tại một trường trung học gần nhà tôi, một tin đồn lan truyền rằng tất cả các trẻ em châu Á đều bị nhiễm virus corona và cần được cách ly". 

Kyra Nguyen - một người Mỹ gốc Việt 20 tuổi ở thành phố Los Angeles (Mỹ) - cho biết nhiều người bắt nạt cô trên mạng, thậm chí gợi ý bắn hạ những chiếc máy bay từ Trung Quốc đến Mỹ ngay trước khi nó hạ cánh. 

"Nhiều người mang nặng tư tưởng phân biệt chủng tộc vẫn thường nói hãy tránh xa những người bạn châu Á. Là một người Mỹ gốc Á, tôi có cảm giác mình là người nước ngoài vĩnh viễn ở đất nước tôi sinh ra", một sinh viên người Mỹ gốc Việt khác chia sẻ trên The Verge.

Một người phụ nữ đeo khẩu trang bước đi trên khu phố Tàu ở London, Anh. Ảnh: Sky News.

Theo Sky News, sự bùng phát của virus corona đã dẫn đến sự gia tăng phân biệt chủng tộc tại Anh. Mọi người dường như rất cẩn trọng khi tiếp xúc với người Trung Quốc trên các phương tiện giao thông công cộng. 

Ken Chung, một diễn viên hài người Anh gốc Hoa, đã đăng trên trang cá nhân: "Chưa đến 0,001% người Trung Quốc bị nhiễm virus corona, nhưng hơn 99.999% người Trung đã trải qua hội chứng corona-rasict".

Các nhà hàng Trung Quốc tại Anh cũng than vãn rằng, họ phải vật lộn để kinh doanh trước tình cảnh ế ẩm do những quan niệm sai lầm về an toàn vệ sinh trong các món ăn của họ.

Không chỉ người Trung Quốc, những người có nguồn gốc châu Á với đặc điểm ngoại hình "tóc đen, da vàng" cũng nhận về sự kỳ thị. Mee Ma Lee, một food-blogger người Myanmar sống tại London đã đăng những bức ảnh lên Twitter cá nhân và cho biết khi đi tàu điện ngầm, mọi người đồng loạt chọn đứng thay vì ngồi cạnh cô. "Mọi người trông không thoải mái và không dám nhìn vào mắt tôi", Lee nói.

Helen, một sinh viên người Malaysia du học ở Perth (Australia), bị chủ nhà trọ đuổi khỏi nhà vì nỗi sợ virus corona, sau khi cô trở về từ chuyến du lịch nước ngoài.

Tất nhiên, Mỹ và Anh không đơn độc trong làn sóng kỳ thị Trung Quốc và người Á Đông. Tại Pháp, tờ báo Courier Picard đã sử dụng các tiêu đề như "Chinese Coronavirus - Alerte jaune" (Virus corona Trung Quốc - Báo động vàng) và "Le péril jaune?" (Nguy hiểm màu vàng?), kèm theo hình ảnh một phụ nữ Trung Quốc đeo khẩu trang. Các thuật ngữ "màu vàng" và "mối họa" ám chỉ việc phân biệt chủng tộc đối với cộng đồng châu Á. Điều này đã khiến nhiều người Pháp gốc châu Á phản ứng trên phương tiện truyền thông xã hội với từ khóa #JeNeSuisPasUnVirus (Tôi không phải là virus).

 Tiêu đề bài báo gây tranh cãi của tờ Courier Picard.

Ngay khi Đức công bố ca nhiễm nCoV đầu tiên do tiếp xúc với một người phụ nữ từ Trung Quốc, những người châu Á sống tại quốc gia này cảm nhận được sự bối rối và ánh mắt ngờ vực của người da trắng dành cho họ. "Tàu rất đông, mà không hiểu sao quanh tôi lại thưa người. Một đứa trẻ đã dùng khăn quàng che miệng và mũi khi đi qua tôi để tới cửa tàu", Hằng Nguyễn, một người Việt Nam sống tại Đức chia sẻ.

Trong cơn hoảng loạn vì virus corona ở Canada, nhiều doanh nghiệp do Trung Quốc điều hành tại Toronto đã chịu tổn thất nặng nề. Ước tính Toronto mất khoảng 1 tỷ đô la khi người dân và khách du lịch né tránh thành phố, đặc biệt là các khu vực tập trung nhiều doanh nghiệp Trung Quốc, theo The Guardian. Amy Go - Chủ tịch lâm thời của Hội đồng Công lý Quốc gia Canada Trung Quốc - cho biết: "Tôi đã hy vọng rằng nỗi sợ hãi này sẽ không giống như năm 2003. Nhưng nó đã diễn ra như vậy, và tiếp tục được khuếch đại bởi các phương tiện truyền thông xã hội". 

Gần 9.000 phụ huynh ở một khu vực phía bắc Toronto đã ký một bản kiến nghị yêu cầu những học sinh từng đến Trung Quốc trong 17 ngày trở lại - bị cấm đi học. "Việc này phải ngừng lại. Ngừng ăn động vật hoang dã và sau đó lây nhiễm cho mọi người xung quanh bạn", một phụ huynh viết sau khi ký vào đơn. 

"Virus corona sẽ không tồn tại lâu bởi nó được sản xuất từ Trung Quốc" - lời nói đùa mang tính phân biệt chủng tộc tại một tiệm cà phê trên đường Macquarie, Liverpool ở Sydney, Australia. Ảnh: @echewy/Twitter.

Nhiều người Australia gốc Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại về mức độ phân biệt chủng tộc gia tăng kể từ khi dịch virus corona bùng phát. Tờ Daily Telegraph của Australia đưa tin một người đàn ông ngã gục và chết trên khu phố Tàu ở Sydney nhưng chẳng ai dám lại gần vì lo sợ ông có thể nhiễm virus.

Bác sĩ phẫu thuật Rhea Liang đã kể rằng, một bệnh nhân đã nói đùa về việc không dám bắt tay ông vì sợ nhiễm virus. "Tôi vẫn chưa rời khỏi Australia. Đây không phải là cách phòng ngừa dịch bệnh, đây là phân biệt chủng tộc", bác sĩ Liang tweet.

Erin Wen Ai Chew, một doanh nhân 37 tuổi gốc Trung Quốc, kể về trải nghiệm gần đây ở một sân bay tại Australia. Chew nói rằng một phụ nữ da trắng nhìn mọi người châu Á đi ngang qua, đặc biệt là những người đeo khẩu trang, như thể đang tìm kiếm dấu hiệu của bệnh tật. Chew cố tình ho gần người phụ nữ, sau đó bà ta bỏ chạy, mắt mở to kinh hoàng.

"Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra. Chúng tôi biết rằng mọi người sẽ nhìn vào mái tóc đen và làn da vàng, rồi nhắm vào chúng tôi. Có rất nhiều sự tức giận, phẫn nộ và cũng rất sợ hãi khi biết rằng mỗi lần chúng tôi ra ngoài, rất có thể phải chịu sự phân biệt chủng tộc", Chew nói.

Ở Hàn Quốc, hơn nửa triệu người đã ký đơn kiến nghị tổng thống ngăn chặn người dân Trung Quốc nhập cảnh. Tương tự, con số chữ ký của người dân gửi lên chính phủ Singapore là hơn 100.000 người. Tại thị trấn Hakone của Nhật Bản, một cửa hàng đã phải gửi lời xin lỗi sau khi đăng một tấm biển cấm người Trung Quốc vào. 

Những ngôi sao nổi tiếng cũng nhận sự dè bỉu, kỳ thị vì liên quan đến gốc gác châu Á, hoặc vì lên tiếng cổ vũ Trung Quốc. Trong màn trả lời phỏng vấn sau trận thắng Manchester City, tiền đạo người Hàn Quốc Son Heung Min của Tottenham đã ho trước ống kính và điều đó lập tức trở thành đề tài bàn tán của nhiều CĐV thiếu văn hóa. Các bình luận trên mạng xã hội nhắm tới quê hương châu Á của Son, nói rằng những cơn ho là dấu hiệu của virus corona.

Song Hye Kyo - nữ diễn viên nổi tiếng Hàn Quốc - bị chính người dùng mạng trong nước chửi rủa là kẻ "bao đồng", đuổi cô sang Trung Quốc đóng phim, chỉ vì cô lên tiếng kêu gọi ủng hộ người dân Vũ Hán. Netizen Hàn cho rằng những ngôi sao sống trong sự giàu có như Song Hye Kyo sẽ không thể hiểu được nỗi khổ sở của người bình thường trong bối cảnh lo sợ về đại dịch. "Các người được sống trong nhà an toàn, ấm cúng, chẳng cần phải thò mặt ra đường làm việc dù chẳng biết khi nào bệnh dịch mới được kiểm soát, cũng chẳng cần lo chuyện giá khẩu trang đang tăng chóng mặt hay sao? Còn người thường chúng tôi vẫn phải đi làm bằng tàu điện, vẫn phải bỏ 150.000 won mỗi tháng tiền khẩu trang cho gia đình... Chắc chúng tôi ngu quá nên mới không có thời gian cho cái gọi là "tình yêu nhân loại" nhỉ?", một netizen bình luận. 

Người Hàn Quốc biểu tình gần Nhà Xanh (Seoul) để phản đối người Trung Quốc nhập cảnh.

 Tim Soutphommasane, giáo sư tại Đại học Sydney nói trên New York Times"Nỗi sợ và lo lắng chính là nguồn nuôi dưỡng phân biệt chủng tộc". Sự xuất hiện của loại virus mới này đã kích hoạt nỗi sợ hãi và định kiến lâu năm của người phương Tây dành cho người gốc Á. Từ thế kỷ 19, nạn phân biệt chủng tộc đã xuất hiện ở châu Âu với tên gọi "Yellow Peril" (mối nguy màu vàng). Người phương Tây cho rằng, người Trung Quốc là một chủng tộc mà bất kể họ sống ở đâu trên thế giới cũng có thể mang mầm bệnh, theo Erika Lee - Giáo sư Lịch sử và nghiên cứu người Mỹ gốc Á tại Đại học Minnesota.

 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục