Nguồn thu trăm triệu USD
Cục Chăn nuôi ước tính sản lượng tổ yến (yến sào) của Việt Nam năm 2018 khoảng 68 tấn. Một ký tổ yến có giá từ 1.500 - 2.000 USD, giá trị xuất khẩu thu về khoản ngoại tệ từ 100 - 125 triệu USD/năm. Đây thực sự là một ngành mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: Nghề nuôi chim yến với mục đích thương mại xuất hiện từ năm 2004 ở một số tỉnh Nam bộ, hiện cả nước có 42/63 tỉnh thành có nghề nuôi chim yến với tổng số 8.304 nhà yến. Đồng bằng sông Cửu Long dẫn đầu về số lượng nhà nuôi yến, đứng thứ 2 là Đông Nam bộ, kế đó là các tỉnh duyên hải miền Trung.
Kiên Giang là địa phương có số lượng nhà nuôi yến nhiều nhất với 925 nhà, tổng diện tích gần 177.000 m2. Trong khi đó, TP.HCM có số lượng nhà nuôi và diện tích thấp hơn nhiều so với Kiên Giang, 595 nhà trên diện tích gần 160.000 m2 nhưng sản lượng đạt tới 14.384 kg/năm so với sản lượng gần 8.460 kg/năm của Kiên Giang.
90% nhà yến trong khu dân cư
Theo Cục Chăn nuôi, nghề nuôi chim yến còn hạn chế lớn là chưa có quy hoạch cụ thể về vị trí xây dựng, gây khó khăn cho các địa phương trong quá trình triển khai. Có đến 90% nhà yến được xây dựng xen lẫn trong khu dân cư thậm chí người dân còn nuôi yến ngay trên nhà ở của mình. Nhiều trường hợp đầu tư xây dựng hàng tỉ đồng nhưng không dẫn dụ được chim yến về gây thất thoát nguồn lực. Đặc biệt, chim yến là loại chim hoang dã, sống thành đàn lớn lại sống trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh. Hiện nay chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi và chất lượng sản phẩm nên việc cấp giấy phép xây dựng nhà yến còn gặp nhiều khó khăn.
Nuôi yến trong khu dân cư gây bức xúc vì ô nhiễm tiếng ồn và môi trường
TRẦN HIẾU
|
Yến là loài động vật hoang dã nên việc quản lý chăn nuôi có nhiều quy định khác nhau do nhiều cơ quan quản lý tạo nên sự chồng chéo, gây khó khăn trong việc thực hiện nuôi. Từ đó dẫn đến nghề này còn mang tính tự phát chưa có định hướng phát triển dài hạn.
Nghề nuôi chim yến cũng gây ảnh hưởng tiếng ồn trong khi đó chưa có quy định cụ thể về tần suất và thời gian phát âm thanh dẫn dụ chim yến để có căn cứ xử phạt trong trường hợp vi phạm. Cần quy hoạch vùng nuôi và công khai thông tin cũng như gắn với các cơ sở chế biến nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, đảm bảo an toàn sinh học và an toàn thực phẩm.
Trung Quốc muốn khai thác nguồn cung từ Việt Nam
Diễn đàn có sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ Trung Quốc. Đại biểu Lạc Nghĩa Ninh, Phó chủ tịch Hiệp hội Y dược Vật chất Trung Quốc, nói: Trung Quốc chiếm đến 80% thị phần yến sào toàn cầu. Ngay cả các sản phẩm yến ở các thị trường phương Tây cũng nhằm phục vụ cho người gốc Á tại các nước này. Nhu cầu tiêu thụ và nhập khẩu sản phẩm yến sào của người Trung Quốc không ngừng tăng trong những năm gần đây. Từ 3,1 tấn hồi năm 2014 lên tới 81,4 tấn trong năm 2017, tăng 26 lần. Năm 2018, số lượng nhập khẩu tiếp tục tăng 56% so với năm 2017. “Giao dịch thương mại yến sào tiếp tục tăng vì nó là một nhánh ưu thế trong ngành thực phẩm bổ dưỡng truyền thống”, đại biểu Lạc Nghĩa Ninh nói.
Số lượng doanh nghiệp trong ngành yến sào của Trung Quốc cũng chiếm con số áp đảo 56 doanh nghiệp so với 33 của Malaysia, 23 ở Indonesia và 2 của Thái Lan. Thị trường của Trung Quốc đang chuyển từ tổ yến sang các sản phẩm yến ăn liền và tổ yến sạch.
Tại diễn đàn, một doanh nghiệp Trung Quốc cũng chính thức ra mắt văn phòng tại Việt Nam.
Ông Đào Việt Anh, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Cơ quan quản lý của Trung Quốc ngày càng yêu cầu ngặt nghèo hơn về chất lượng, quy trình truy xuất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo chuẩn Trung Quốc. Sản phẩm nông sản của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt về chất lượng và giá cả, thương hiệu từ các nước khác. Sản phẩm của Việt Nam còn chưa chú trọng công tác xây dựng, đăng ký thương hiệu tại thị trường Trung Quốc để có thể tham gia vào hệ thống phân phối tại đây một cách bài bản và bền vững cũng như để nâng cao giá trị sản phẩm. |