VĂN HÓA - NGHỆ THUẬT

Mười chi tộc bị thất lạc của Israel đang hồi hương

Khi Chúa bắt dân Do Thái phải lưu vong khỏi Đất Thánh, khoảng 2.700 năm trước đây, Ngài đã hứa “Sẽ xảy ra là trong ngày ấy: Ðức Chúa lại sẽ giơ tay, chuộc lấy số sót dân Người, những kẻ còn sót lại ở Assur, và Aicập, ở Patros, Kush, Êlam, Shinơar, Khamat, và các hải đảo.” (I-sa-ia 11:11. Bản dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn).

Ngài đã hứa rằng một ngày nào đó, Ngài sẽ đưa các con cái từ bốn phương trời trở lại quê hương, đất của dân Do Thái: “Người sẽ phất cờ làm hiệu cho các nước, Người sẽ thâu họp lại mưu đồ của Israel, và cho đoàn tụ lại những kẻ tản mác của Yuđa, từ tứ phương thiên hạ.” (I-sa-ia 11:12)

Chúng ta cũng thấy ở sách Ê-giê-ki-el, Chúa đã cho Ê-giê-ki-el nhìn thấy những bộ xương khô được sống lại: “Người mới phán với tôi: "Hãy tuyên sấm trên các xương ấy và nói với chúng: Các xương khô kia, hãy nghe lời của Yavê! Ðức Chúa Yavê phán với các xương ấy: Này Ta sẽ đem thần khí đến trên các ngươi. Và các ngươi sẽ sống.” (Ê-giê-ki-el 37:4-5). Nhiều người Do Thái đã diễn giải khung cảnh này như sự hồi sinh của dân Do Thái và sự hồi hương về lại Đất Hứa. Như những bộ xương khô, chẳng ai tin được rằng còn sức sống, nhưng 10 chi tộc sẽ được hồi sinh và hồi hương để hâm lại sức sống trong đất Do Thái.

Những lời tiên tri bên trên, xem ra như chỉ có trong mơ nhưng cơn mơ đó đã và đang trở thành hiện thực, ngay trong lúc này. Ngược với mọi lý giải của con người, Lời của Chúa đã trở thành sự thật, và dân Do Thái đã và đang hồi hương. Chẳng có nơi nào trên thế giới mà đất đai đã chờ đợi người dân trở lại, và sau 2.000 năm (nói về nhóm phải đi đày sau thời Chúa Giêsu, sau năm 70 AD), đúng như Chúa hứa, mực còn in trên giấy, làm bằng da thú, trong Kinh Thánh.

Những người dân Do Thái hồi hương từ hướng đông như: Iran, Afghanistan, Iraq, Syria và còn nữa. Nhiều người khác đã trở về từ Châu Âu và ngay cả Châu Mỹ. Họ đã trở về từ những nước khác như Egypt (Ai-cập), Tripoli (nước Lybia), và những nhóm đông đảo từ Morocco và Yemen.

CÂU CHUYỆN VỀ 10 CHI TỘC BỊ THẤT LẠC CỦA ISRAEL

Sau triều đại của vua Solomon, vào thế kỷ thứ 10 BC (trước Chúa Giáng Sinh), 12 chi tộc của Do Thái đã tự phân chia thành 2 vương quốc. Hai chi tộc Judah và Benjamin thành lập vương quốc Judah, ở phía nam. 10 chi tộc còn lại hợp thành vương quốc Israel ở phương bắc. Thực ra, mỗi vương quốc đều có một phần của chi tộc Lê-vi, họ không có ruộng đất nhưng có có các tư tế, chuyên lo việc thờ phượng.

Các chi tộc của vương quốc phía bắc (Israel) từ chối không nhận vương quyền của Rehoboam, con trai vua Solomon. Hai chi tộc Judah và Benjamin cùng một phần của chi tộc Levi, vẫn trung thành với Rehoboam, thành lập vương quốc Judah ở phía nam.

Hai thế kỷ sau, đế quốc Assyria xâm chiếm vương quốc Israel và trong nhiều giai đoạn, họ đã từ từ phân tán cả 10 chi tộc đi các nơi khác. Kế hoạch lưu đày đó đã hoàn tất vào năm 722 BC và vương quốc Israel (phía bắc) hoàn toàn biến mất.

Mười chi tộc bị thất lạc đó là: Simeon, Dan, Naphtali, Gad, Asher, Issachar, Zebulun, Manasseh, Ephraim, và một phần của Levi. Hằng ngàn năm sau và cho đến bây giờ, nhiều nhóm người đã tự nhận là dòng dõi của các chi tộc bị thất lạc, một vài tôn giáo của họ cũng tin Đấng Cứu Thế và tin có ngày hồi hương của các chi tộc.

Sử gia thời danh của Do Thái, Josephus (37-100 AD) đã viết rằng mười chi tộc thất lạc đó đã sống rải rác ở phía đông của sông Euphrates (sông này chảy qua Iraq ngày nay, từ hướng tây-bắc xuống đông-nam). Họ đã sinh sản rất nhiều, không thể đếm được.

Những người Do Thái ở Ethiopia

Câu chuyện lạ lùng nhất đã xảy ra với những con cháu của chi tộc Dan ở Ethiopia (Bắc Châu Phi). Họ thuộc nhóm 10 chi tộc phải đi lưu đày từ 27 thế kỷ trước. Qua nhiều năm, họ từng có một vương quốc cho riêng họ và luôn luôn tuân giữ Kinh Thánh. Họ tuân theo luật giữ ngày Sa-bát, luật thanh tẩy (Niddah purity), chỉ ăn thức ăn Kosher (theo luật kiêng cữ), và luôn tin tưởng rằng ngày nào đó họ sẽ hồi hương, trở về thành thánh Jerusalem.

Năm 1977, ông Menachem Begin, thủ tướng Do Thái, đã gọi vị đứng đầu ngành anh ninh, Mossad, và nói một câu mà sau này đã trở thành thời danh: “Đem dân Do Thái từ Ethiopia về cho tôi!” Họ đã thành công đem trở lại Do Thái gần 15 ngàn đồng bào đã bị thất lạc hàng ngàn năm!



Những nhóm người Pathans

Ở thời trung cổ, dân Do Thái thất lạc đã phải sống dưới lề luật của Kitô giáo, rồi Hồi giáo và mơ tưởng rằng một ngày nào đó, các chiến sĩ dũng mãnh thuộc 10 chi tộc thất lạc sẽ xuất hiện từ một vương quốc ẩn dấu, đánh bại những kẻ áp bức và đưa họ về lại quê xưa. Một nhóm có thể hoàn thành công tác đó là những người Pathans, họ là những chiến sĩ thiện chiến đã từng giúp dân Afghanistan đánh đuổi được quân xâm lược Liên Xô ra khỏi bờ cõi.

Những người Pathans thuộc chi phái Sunni của Hồi giáo này, hiện đang sống ở cả hai bên biên giới giữa các nước Afghanistan và Pakistan, và có thể xa hơn nữa tới vùng Kashmir của Ấn Độ. Người ta tin rằng họ thuộc một phần của mười chi tộc Do Thái bị thất lạc, tổng số dân Pathans được ước lượng ít nhất là 15 triệu. Có những chi tộc “nhánh” (sub-tribes) đang mang những tên vẫn còn âm hưởng Do Thái như: Rabani (Reuben), Shiwari (Shimon), Daftani (Naphtali), Sahuri (Asher), Yusuf-sai (con cháu của Yosef).

Nhóm Shin-lung

Khoảng đầu thập niên 1950, một nông dân tên là Chala thuộc chi tộc Shin-lung trong vùng biên giới giữa Ấn Độ và Burma (hay Myanmar - tức Miến Điện) đã có một giấc mộng, trong đó Chúa đã cho ông biết rằng dân Shin-lung chính là người Do Thái, thuộc chi tộc bị thất lạc Menasseh, và đã đến lúc họ phải hồi hương.

Nhiều người Shin-lung tin giấc mộng của Chala là lời tiên tri. Tổ tiên của họ có tên là Menase, âm này rất gần với chi tộc “Menasseh”. Rồi họ bắt đầu giữ các qui luật Giu-đa, thực hành bất cứ nghi thức nào họ học được từ những người Do Thái ở thành phố Bombay (Ấn Độ). Bắt đầu từ một nhóm nhỏ, nay con số đã lên đến trên 5.000 người, được gọi với tên mới là “Judaizers”. Những người này giữ ngày Sa-bát, chịu cắt bì, ăn theo luật Kashrut. Họ xây hàng chục hội đường trong những ngôi làng và thị trấn ở miền đông-bắc Ân Độ, thuộc các bang Mizoram và Manipur.

Chính phủ Do-Thái đã tỏ ra dè dặt về việc “hồi hương” này, nhưng một số dân chúng đã tự tổ chức, như nhóm Amishav (Dân tôi hồi hương), đã tìm kiếm dấu tích của mười chi tộc đã bị lưu đày từ 27 thế kỷ xưa. Họ đã đưa một nhóm nhỏ thanh niên Shin-lung về Do Thái để nhập với nhóm đã đến từ trước và với sự chấp thuận của các thày cả (Rabbis), những ai chưa “trở lại” với niềm tin Giu-đa sẽ được nhận nghi thức này.

Còn có thêm rất nhiều những câu chuyện tương tự, như 5 triệu dân thuộc chi phái Hồi giáo Sunni trong vùng cao nguyên Kashmir (tây-bắc Ấn Độ). Họ có những tên còn mang âm hưởng các địa danh trong Kinh Thánh như Mamre, Pisgah, hay núi Nevo. Họ còn tương truyền rằng ông Mô-sê đã được an táng ở Kashmir, cũng như Chúa Giê-su đã từng đến đây để tìm 10 chi tộc bị thất lạc.

Bộ tộc Chang-min có khoảng 250.000 người, đang sống trong vùng biên giới Trung Quốc và Tibet, nơi tương truyền rằng bộ tộc Shin-lung đã từng sống. Trông họ giống như những người Trung Quốc, đã từng thờ độc thần, trước khi theo Kitô giáo. Tương truyền rằng họ thuộc “dòng dõi của ông Abraham”. Khi làm lễ hiến tế, họ đã cắm 12 lá cờ chung quanh bàn thờ, để tưởng nhớ 12 chi tộc của tổ tiên.

Ngược xuống miền trung-tây của Châu Phi, có bộ tộc Ibo ở nước Nigeria. Tuy phần đông dân chúng đang theo Kitô giáo, nhưng nhiều nghi thức cổ truyền của họ đã tương tự như cách thức của người Do Thái, như cắt bì trẻ trai sau khi sinh được 8 ngày. Nếu hỏi bất cứ người Ibo nào về gốc gác của họ ở đâu, thì câu trả lời luôn là: “Do Thái”, ông Onyeulo, người đang viết một cuốn sách về nguồn gốc của bộ tộc Ibo đã nói như vậy.

Những nước khác ở phía tây Châu Phi như Senegal, Dahomey (hiện thuộc nước Benin), và Sierra đang có rất nhiều bộ tộc vẫn tự nhận là thuộc dòng dõi Do Thái. Họ có những nghi thức tổng hợp giữa Kitô giáo và niềm tin Giu-đa. Tổng số dân có thể lên đến nhiều triệu người.

Quả nhiên, cuộc tìm kiếm những chi tộc bị thất lạc đã là niềm khao khát sâu xa của người Do Thái. Qua nhiều thiên kỷ, họ đã hiểu rằng cuộc lưu đày của dân tộc họ, chính là hình phạt cho tội không xứng đáng là dân được Chúa chọn, không cố gắng sống hợp nhất với Thiên Chúa. Cuộc phân tán của 10 chi tộc, 27 thế kỷ trước đây, đã là mối đau thương đầu tiên của dân tộc, cuộc lưu đày tiên khởi. Tìm lại những chi tộc bị thất lạc đó là nối lại mối giao hòa giữa Thiên Chúa và giống dân đã được Ngài chọn, trở lại với sự tinh trắng, thánh thiêng ban đầu.

LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng (tổng hợp)

 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục