Chính phủ chấp thuận chủ trương bỏ cấp phép ca khúc trước 1975
Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ sớm xây dựng quy định cụ thể việc bỏ cấp phép ca khúc trước 1975 và đưa ra lấy ý kiến người dân.
Chiều 11/2, Bộ trưởng Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, Chính phủ vừa chấp thuận chủ trương sửa đổi hai nghị định 79 và 15 về nghệ thuật biểu diễn.
Theo đó một số đề xuất của Bộ Văn hoá trong dự thảo tờ trình xin ý kiến Chính phủ về việc sửa đổi hai nghị định này cũng được đồng ý.
Cụ thể, Bộ đề nghị bỏ việc cấp phép ca khúc trước năm 1975 bởi cho rằng đây là tài sản cá nhân của tác giả và phần lớn có nội dung lành mạnh. Cơ quan quản lý chỉ can thiệp, ngăn chặn "những sáng tác có nội dung phản động, chống phá nhà nước, bôi nhọ tổ chức, cá nhân".
Bà Tuyết Minh (Cục Nghệ thuật biểu diễn) giải thích rõ hơn, nghị định mới sẽ được soạn thảo theo hướng xoá bỏ ranh giới ca khúc sáng tác trước và sau năm 1975. Tất cả các bài hát không vi phạm quy định trên sẽ được tự do hát, không cần xin cấp phép phổ biến.
Tháng 3/2017, Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra quyết định tạm dừng lưu hành năm ca khúc trước 1975, trong đó có "Con đường xưa em đi". Quyết định này được thu hồi sau đó. |
Đơn vị, cá nhân sử dụng bài hát có nội dung đi ngược lại lợi ích của đất nước nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt, buộc phải gỡ bỏ trên phương tiện truyền thông. "Nghị định mới bỏ cơ chế xin - cho trong cấp phép bài hát. Chúng tôi sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông để kiểm tra, xử phạt các đơn vị, cá nhân phát tán các bài hát vi phạm", bà Tuyết Minh nói.
Những bất cập trong hai nghị định cũ khiến Tiến quân ca và nhiều bài hát đi cùng năm tháng trước năm 1975 trên cả nước vô tình rơi vào diện "chưa được cấp phép" cũng sẽ được khắc phục trong thời gian tới.
Ngoài ra, dự thảo tờ trình cũng đề xuất cấp phép trực tiếp cho các nghệ sĩ hải ngoại về nước biểu diễn thay vì thông qua các đơn vị tổ chức sự kiện. Người Việt Nam ra nước ngoài tham dự các cuộc thi sắc đẹp với tư cách cá nhân sẽ không phải xin phép nhà chức trách. Cục Nghệ thuật biểu diễn chỉ cấp phép cho những người tham dự các cuộc thi sắc đẹp quốc tế với tư cách đại diện cho nhan sắc Việt Nam. "Việc sửa đổi quy định này để đảm bảo tôn trọng quyền công dân, nhất là những người muốn thể hiện bản thân qua sắc đẹp", bà Tuyết Minh nói.
Ông Nguyễn Quang Vinh. Ảnh: PV. |
Sau khi nhận thông tin về việc những đề xuất của Bộ Văn hóa được đồng ý, ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn chia sẻ: "Bây giờ vẫn duy trì cấp phép ca khúc trước năm 1975 thì không hợp lý. Bỏ cấp phép như đề xuất của Bộ Văn hóa sẽ giảm bớt thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho nghệ sĩ, doanh nghiệp. Tuy nhiên cũng cần có những quy định cụ thể để quản lý sao cho phù hợp trong thời gian tới".
Ngày mai 12/2, Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn sẽ thành lập hội đồng khoa học và mời các bên liên quan tham gia soạn dự thảo nghị định mới theo tinh thần nêu trên. "Chúng tôi dự kiến phân quyền nhiều hơn cho các địa phương trong việc cấp phép, quản lý. Dự thảo mới sẽ được lấy ý kiến rộng rãi nhân dân và giới nghệ sĩ trước khi trình Chính phủ thông qua", ông Vinh nói.
Tranh cãi về việc có nên duy trì cấp phép ca khúc trước 1975 hay không xảy ra từ tháng 3/2017, khi Cục Nghệ thuật biểu diễn đột ngột yêu cầu dừng lưu hành 5 ca khúc trước 1975 với lý do không rõ ràng. Trước phản ứng gay gắt của dư luận, Cục phải thu hồi lại quyết định. Nhưng sau đó, dư luận lại bất ngờ vì Nối vòng tay lớn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù được hát khắp mọi nơi hơn 50 năm mà vẫn chưa được cấp phép.
Tháng 5/2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Cục Nghệ thuật biểu diễn thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, ngừng việc cấp phép ca khúc nếu nội dung không trái thuần phong mỹ tục và xâm phạm lợi ích quốc gia. Lúc này Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương bị điều chuyển về Văn phòng Bộ vì liên quan đến diễn biến trên.
Đầu năm 2018, lần đầu tiên Bộ Văn hóa công khai dự thảo hồ sơ đề nghị xây dựng nghị định về nghệ thuật biểu diễn, trong đó đề xuất bỏ cấp phép ca khúc trước 1975, đồng thời lập danh sách các bài hát cấm nếu đi ngược lại lợi ích dân tộc. Theo tân Cục trưởng Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Quang Vinh, các bài hát sáng tác trước 1975 có nhiều tác phẩm đã đi vào đời sống tinh thần đông đảo người dân nên không cần cấp phép. Tuy nhiên ông còn băn khoăn bởi sẽ gặp khó khăn khi tập hợp các bài hát để lập danh sách cấm.
Viết Tuân
Theo VnExpress