TIN CÔNG GIÁO

Hội Hiệp sĩ Malta có tân Thủ lãnh Tối cao

(Vatican News) Hội đồng bầu cử của Hội Hiệp sĩ Malta đã bầu Tu huynh John Dunlap, 66 tuổi, người Canada, đang giữ chức Phó Thủ lãnh của Hội, làm Thủ lãnh Tối cao của Hội. Thầy sẽ là vị Thủ lãnh thứ 81 của Hội. Theo điều 13 của Hiến pháp mới, thầy sẽ lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta trong mười năm.

 

Ngày 3/5/2023, tân Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Malta đã tuyên thệ trong tay Đức Hồng y Silvano Maria Tomasi, đặc sứ của Đức Thánh Cha, tại Nhà thờ Đức Maria ở khu vực Aventino của Roma. Như thế tân Thủ lãnh sẽ bắt đầu có toàn bộ quyền hạn của mình.

Tiểu sử tân Thủ lãnh Hội Hiệp sĩ Malta

Thầy John Dunlap sinh tại Ottawa ngày 16/4/1957, đậu Tiến sĩ Luật tại Đại học Western Ontario. Chuyên về luật doanh nghiệp và nhập cư, từ năm 1997, thầy là cố vấn pháp lý của Phái đoàn Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại Liên Hiệp Quốc. Thầy bắt đầu đến với Hội Hiệp sĩ Malta và phân định về ơn gọi tu trì trong thời gian làm việc tình nguyện với các bệnh nhân bị AIDS và các bệnh lý khác tại Trung tâm Y tế Cardinal Cooke ở Harlem (New York) vào giữa những năm 1980. Tại bệnh viện này, thầy đã phục vụ hàng tuần trong ba mươi năm qua.

Được nhận vào Hội năm 1996, thầy đã khấn trọng với tư cách là Hiệp sĩ có lời khấn vào năm 2008. Trong hơn một thập kỷ, thầy đã phục vụ Hội với tư cách là Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ các danh xưng và biểu tượng và Đại diện cho Liên minh các Dòng Thánh Gioan. Năm 2009, thầy được bầu làm thành viên của Hội đồng Tối cao với nhiệm kỳ 5 năm, sau đó được Tổng Tu nghị bầu lại với nhiệm kỳ 5 năm khác vào năm 2014 và sau đó là vào năm 2019. Từ tháng 6/2022, sau khi thầy Marco Luzzago qua đời, thầy đứng đầu Hội với tư cách là Phó Thủ lãnh.

Sứ mạng "làm chứng cho đức tin, giúp đỡ người nghèo"

Phát biểu với các thành viên của Hội đồng bầu cử, Thầy Dunlap khẳng định thầy đã tiếp nhận chức vụ này “với tinh thần phục vụ sâu sắc và với lời hứa long trọng về sự dấn thân không ngừng”. Thầy nói thêm rằng có “nhiều thách thức” đang chờ đợi Hội, “nhưng khi đoàn kết với nhau trong nhận thức về sứ mệnh Tuitio Fidei et Obsequium Pauperum (làm chứng cho đức tin, giúp đỡ người nghèo), tôi chắc chắn rằng chúng ta sẽ có thể đối diện với chúng một cách thống nhất và gắn kết, trong cùng một tinh thần đã hướng dẫn Chân phước Gerard, người sáng lập Hội vào hơn 900 năm trước”.

Hội Hiệp sĩ Malta

Hội Hiệp sĩ Malta là một tổ chức có quy chế của một thực thể quốc tế, có từ gần 1.000 năm, có chủ quyền như một quốc gia, có quan hệ ngoại giao trên cấp đại sứ với 106 nước trên thế giới. Về phương diện tinh thần và tu đức, Hội có quy chế như một dòng tu Công giáo và dưới khía cạnh này hội tùy thuộc Đức Giáo hoàng.

Hội Hiệp sĩ Malta hiện có 13.500 thành viên nam nữ trên thế giới, trong đó chỉ có gần 40 thành viên có ba lời khấn như tu sĩ. Ngoài ra, Hội có 80.000 thiện nguyện viên trên thế giới, trong đó có nhiều bác sĩ và nhân viên y tế. Phần lớn các hoạt động của Hội thuộc lãnh vực bác ái và y tế.

Hội Hiệp sĩ Malta tên đầy đủ là Dòng Chiến sĩ Toàn quyền Cứu tế Thánh Gioan của Jerusalem, Rhodes và Malta là một dòng tu Công giáo Rôma được tổ chức như một lực lượng quân sự. Họ là các hiệp sĩ châu Âu lâu đời nhất trên thế giới và được đánh giá là lực lượng hào hiệp và thượng võ.

Lâu đài Saint Angelo của Htrên đảo Malta

Sau khi chinh phục được Jerusalem hồi năm 1099 trong cuộc Thập tự chinh thứ nhất, họ đã trở thành một dòng tu quân sự có điều lệ riêng với nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ Đất Thánh. Kể từ sau khi các vùng lãnh thổ ở Đất Thánh rơi vào tay người Hồi Giáo thì dòng này rút quân về hoạt động ở đảo Rhodes (1310-1523), và sau đó là đảo Malta (1530-1798) để tuyên bố chủ quyền. Năm 1798, Napole'on Bonaparte chiếm được Malta thì dòng này rút về Roma nhưng vẫn duy trì tính độc lập chủ quyền đối với mọi nhà nước thế tục.

Villa Malta - trụ sở của dòng đặt tại Roma

Hiện tại, trụ sở của Hội đặt tại Roma và được coi là một thực thể có chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Dù không thực sự có một vùng lãnh thổ xác định nhưng họ được cấp tư cách quan sát viên thường trực tại Liên Hợp Quốc, được phát hành tem bưu chính, có hộ chiếu đi quốc tế, có quốc kỳ và quốc huy như một nhà nước. Hội Hiệp sĩ Malta chọn Đức Mẹ Maria, với danh hiệu "Đức Mẹ Núi Philermos" làm thánh quan thầy và cầu bầu của mình.

Hồng Thủy - Vatican News

 


 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục