Bức tranh Thanh toán số 2019: MoMo bứt tốc, Moca đại nhảy vọt nhờ "mẹ" Grab chống lưng "đốt tiền", VinID Pay vươn ra ngoài hệ sinh thái Vingroup
Nếu dùng 3 từ để nói về mảng Payment (Thanh toán số) năm 2019, sẽ là Đốt tiền, Đốt tiền và Đốt tiền. Năm vừa qua chứng kiến cuộc đấu "đẫm máu" khơi mào từ cú đốt tiền mạnh tay của Moca trên nền tảng Grab trong thanh toán tiền điện, đến mức Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cũng cảm thán: "Không thể tưởng tượng được người ta đốt tiền cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện cho cả cái đất nước này để đổi lấy tăng trưởng"...
Mảng Payment (thanh toán) năm 2019 ghi nhận sự tham chiến của VinID Pay - ví điện tử của Vingroup và bước chuyển mình của AirPay khi tích hợp với Shopee. Tuy nhiên, hai tay chơi chủ chốt trong cuộc chiến này vẫn là Moca/Grab và MoMo. Nếu Grab là doanh nghiệp nền tảng công nghệ tiêu dùng thì Momo là đại diện cho Fintech thuần túy; trong khi Moca có màn gây shock toàn thị trường với cú "đốt tiền" mạnh tay hoàn hóa đơn tiền điện đến 200.000 đồng, thì Momo tạo nên cơn viral xếp hàng shopping để được hoàn tiền 50% tối đa 100.000 đồng.
Theo Báo cáo kinh tế số 2019 của Google, Temasek Holding và Bain&Co, 2019 là năm bước ngoặt của thanh toán số (Digital Payment) trong khu vực Đông Nam Á, với dự phóng trong năm 2025, mảng này sẽ đạt tổng giá trị giao dịch 1.100 tỷ USD trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng dự kiến ở mức 2.300 tỷ USD. Điều này có nghĩa cứ 2 USD được lưu thông trên thị trường, thì gần 1 USD được thanh toán qua nền tảng số. Trong đó, tới năm 2025 ví điện tử (e-Wallets) sẽ có mức tăng gấp 5 lần so với giá trị giao dịch 22 tỷ USD trong năm 2019.
Căn cứ theo báo cáo trên, các tay chơi trong địa hạt Payment tại Việt Nam có thể chia làm 4 loại:
- Fintech thuần túy (Pure-play Fintechs): Đại diện tiêu biểu là Momo, VnPay, Payoo...
- Doanh nghiệp nền tảng lĩnh vực công nghệ tiêu dùng (Consumer Technology Platforms): Bao gồm những doanh nghiệp công nghệ tiêu dùng "có số có má", đại diện tiêu biểu là Grab (liên kết với Moca), SEA (AirPay).
Khi tiến vào địa hạt tài chính, tài sản lớn nhất của những doanh nghiệp này là cơ sở dữ liệu người dùng – những người sử dụng nền tảng thanh toán để tiện cho việc chi trả chi phí dịch vụ cốt lõi của DN như Di chuyển, Giao đồ ăn hay Mua sắm online.
- Doanh nghiệp tiêu dùng đã định hình (Established Consumer Players): Những doanh nghiệp truyền thống sở hữu lượng khách hàng lớn, bao gồm các nhà bán lẻ (Vingroup với VinID Pay) và viễn thông (Viettel với Viettel Pay). Điểm mạnh của loại hình doanh nghiệp này là số lượng cửa hàng vật lý tỏa khắp, dễ dàng vươn đến khu vực nông thôn. Điểm thách thức là việc thiếu các chuyên gia trong lĩnh vực dịch vụ tài chính và hệ thống IT ban đầu vốn không được thiết kế hướng tới trải nghiệm người dùng.
- Các tay chơi tài chính truyền thống (Established Financial Services Players): Các ngân hàng, doanh nghiệp bảo hiểm, các định chế tài chính… Năm vừa qua, nhiều ngân hàng mở luôn ứng dụng đặt vé xem phim, đặt phòng khách sạn trên app (VPBank), một số đơn vị bảo hiểm cũng gia nhập thị trường ví điện tử (Bảo Việt).
Ở khía cạnh người dùng, 4 cái tên tiêu biểu trong lĩnh vực Payment là VinID Pay, Airpay, Moca (trên nền tảng Grab) và Momo. Tính đến ngày 23/12/2019, số ngân hàng liên kết của VinID Pay là 7, AirPay là 18, Moca trên nền tảng Grab và MoMo đang đồng hạng giữ ngôi "vô địch" về số ngân hàng liên kết - cùng 24 ngân hàng.
Với số lượng ngân hàng liên kết lớn, lượng khách hàng đông đảo, cuộc đấu ví điện tử thực chất chỉ là cuộc đua song mã giữa MoMo và Moca. Còn xét về độ "chịu chơi", VnPay sau khi gọi vốn 300 triệu USD và "kết thân" với VinID Pay thì mức độ đốt tiền cũng không kém cạnh.
Năm 2019 vừa qua chứng kiến cuộc đấu "đẫm máu" khơi mào từ cú đốt tiền mạnh tay của Moca trên nền tảng Grab trong thanh toán tiền điện.
Đầu năm 2019, Viettel Pay tiến vào mảng thanh toán hóa đơn khá dè dặt với mức hoàn tiền 20.000 đồng, thì đến tháng 5/2019, Grab "mạnh tay" hoàn tiền mức tối đa lên đến 400.000 đồng.
Cụ thể, khi thanh toán qua ví điện tử Moca trên nền tảng Grab, khách hàng sẽ được hoàn tiền tới 200.000 đồng cho hóa đơn tiền điện trên 1.000.000 đồng, 100.000 đồng cho hóa đơn từ 500.000 – 1.000.000 đồng. Mỗi khách hàng được thanh toán 2 lần, và hoàn tối đa 400.000 đồng.
Nếu như các tay chơi Payment trước đó chỉ tập trung khuyến mãi vé xem phim, đồng nghĩa là hướng đến khách hàng trẻ, thì động thái hoàn tiền nhắm vào hóa đơn tiền điện của Grab đánh vào mọi đối tượng trên thị trường Việt Nam. Gia đình nào chẳng phải đóng tiền điện? Và đó là khoản PHẢI nộp HÀNG THÁNG, tức mang tính định kỳ.
"Không thể tưởng tượng được người ta đốt tiền cỡ nào. Người ta có thể tài trợ cho những người dùng ví điện tử 20% tiền điện của các bạn, cho toàn dân, cho cả cái đất nước này. Người ta trả hộ 20% để đổi lấy tăng trưởng. Và các bạn nên nhớ, khi dừng tài trợ, người dùng sẽ chuyển từ ví này sang ví kia. Đó là trò chơi kinh hoàng", Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình bình luận trong một sự kiện do CLB Quản trị và Khởi nghiệp tổ chức.
Với động thái trên, Grab đã "đốt" một khoản tiền vô cùng khổng lồ, thu hút tức thời một lượng lớn khách hàng tìm đến ví điện tử Moca trên app Grab.
MoMo – một tên tuổi lão làng trong làng Fintech – cũng có dịp khiến người dùng "trầm trồ" vào dịp cuối năm, khi đã tạo được một chiến dịch mang tên "Đại chiến hoàn tiền MoMo". Chiến dịch này đã khiến nhiều khách hàng xếp hàng trước một số điểm bán lẻ, bệnh viện, trạm xăng dầu… để được hướng dẫn hoàn tiền.
Khoản tiền phải "đốt" của MoMo trong chiến dịch này sẽ ít hơn Grab, khi các khuyến mãi hoàn tiền chỉ dành cho khách hàng thanh toán lần đầu, ở một số điểm bán nhất định, và giới hạn trần hoàn tiền ở mức 30.000 đồng (với xăng – dầu), 50.000 đồng và 100.000 đồng (tùy điểm bán lẻ).
VnPay, sau khi nhận được nguồn vốn 300 triệu USD từ quỹ Vision Fund của SoftBank và quỹ đầu tư GIC của chính phủ Singapore, cũng mạnh tay hoàn tiền tại các cửa hàng P2M (Person to Merchant, tạm hiểu: Thanh toán tại cửa hàng). Nếu như trước đó VnPay chỉ phủ sóng tại các điểm bán lẻ thời trang và nhà hàng lớn, thời điểm cuối năm đơn vị này đã "chạy nước rút" phủ tới các siêu thị trung cấp và bình dân.
Nếu như tần suất mua sắm thời trang và ăn uống nhà hàng ở một mức nhất định, thì siêu thị là nơi mà mỗi hộ gia đình ghé vào HẰNG NGÀY. Cho nên, dù mức trần khuyến mãi là 20%/đơn hàng, tối đa 50.000 đồng và giới hạn 1 lần/tuần, khách hàng chỉ cần "nhảy" từ siêu thị nọ sang siêu thị kia quay vòng trong 1 tuần, VnPay cũng phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ.
VinID Pay sau khi bắt tay với VnPay cũng đã vươn ra ngoài hệ sinh thái của Vingroup, đưa ra mức giảm 30%, tối đa 50.000 đồng cho mỗi giao dịch tại các cửa hàng (P2M). Ví điện tử còn non trẻ này cũng khá nhanh nhạy khi "học theo" nhiều chiến lược của các đàn anh. Khi Grab tung ra "Deal 9 đỉnh", VinID Pay cũng tung ra "Deal 11 đỉnh" để hút người dùng.
AirPay cũng đưa ra khuyến mãi, phổ biến nhất là miễn phí vận chuyển khi khách hàng mua hàng trên Shopee – "người anh em cùng nhà" của AirPay, mới đây nhất là giảm 30% khi thanh toán tại cửa hàng.
Còn Viettel Pay, vốn trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), về bản chất là "không được lỗ", cho nên trong cuộc đua "đốt tiền", đơn vị này tỏ ra khá dè dặt.
Trong cuộc cạnh tranh "đẫm máu" ấy, kẻ có thể thống trị thị trường payment chưa được định hình rõ ràng. Báo cáo Kinh tế số Đông Nam Á 2019 cho rằng: Những tay chơi sở hữu mối quan hệ tốt với các khách hàng là những kẻ sẽ có vị thế tốt trên thị trường về lâu về dài. Và trong cuộc tranh đấu ấy, mỗi đơn vị payment lại trở thành "cổng kết nối" giữa người dùng và điểm chấp nhận thanh toán (merchants) để duy trì và thu hút khách hàng mới. Và như vậy, trận chiến này sẽ tập trung vào 3 mấu chốt chính: "Top of mind" (thứ bậc trong tâm trí người dùng), thời gian của người dùng và ví tiền của họ.
Khi các tay chơi tham chiến, các điểm P2M của mỗi bên đều mở rộng. Trong khi Airpay tiếp bước đàn anh MoMo và Grab, phủ các cửa hàng bánh mỳ, trà sữa, ốc vỉa hè, thì bộ ba Grab – MoMo – VnPay chuyển hướng sang phủ các điểm bán lẻ.
Trong khi các đơn vị payment miệt mài đốt tiền, người được hưởng lợi là khách hàng, khi có thể cùng một cửa hàng nhưng hôm nay xài Moca, mai xài Airpay, ngày kia lại chuyển sang VnPay.
Mới đây, Grab tiên phong tiến vào mảng thanh toán tại các bãi giữ xe. Hiện khi gửi xe tại 14 bãi giữ xe khách hàng sẽ chỉ mất 500 đồng, Grab sẽ thanh toán phần tiền còn lại. Tức, bạn gửi xe mất 10.000 đồng, Grab sẽ hoàn 9.500 đồng. Phí gửi xe 13.000, Grab sẽ hoàn lại 12.500 đồng. Trong 14 bãi giữ xe nói trên, 13 bãi ở TPHCM, chỉ có 1 ở Hà Nội là bãi giữ xe của ĐH Kinh tế Quốc dân.
Vậy là giờ đây, tới dịch vụ gửi xe cũng có thể dùng QR Code, liệu có phải thời kỳ ăn xin Việt dùng QR Code như ăn xin Trung Quốc sẽ không còn xa?
Trước khi đưa ra nhận định cụ thể, chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện xấp tiền 20 USD "thò" ra từ túi quần của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông bước lên chuyên cơ tại bang California hồi tháng 9/2019.
"Tôi không mang theo ví bởi không sử dụng thẻ tín dụng trong thời gian dài", ông Trump nói và giơ xấp tiền khi được hỏi.
"Tôi thích để lại tiền boa cho nhân viên khách sạn. Có lẽ Tổng thống không nên làm điều đó, nhưng tôi thích để lại tiền boa cho khách sạn", Trump giải thích thêm.
Tại ở một thị trường phát triển như Mỹ, tiền mặt vẫn còn hiện hữu với những giao dịch boa, tip bằng tiền mặt, thì liệu rằng Việt Nam có thể kỳ vọng vào một xã hội không tiền mặt trong tương lai gần?
Báo cáo "Ngân hàng trong tương lai - Tài chính trong kỷ nguyên số" (The Future of Banking, Finance in the Digital Age) do Giáo sư Markos Zachariadis thực hiện cho Tập đoàn HSBC đưa ra nhận định: Tiền mặt hay thẻ ngân hàng đều sẽ không hoàn toàn biến mất trong thập kỷ tới.
"Trong khi nhu cầu về thanh toán số và trải nghiệm trơn tru gia tăng sẽ thúc đẩy bước chuyển biến nhiều hơn của một xã hội không tiền mặt, tiền vật lý mặc dù giảm đáng kể, vẫn có một vai trò nhất định của nó", báo cáo này nhìn nhận.
Trong câu chuyện xấp tiền 20 USD ở túi quần Tổng thống Trump và nền xã hội không tiền mặt, đại diện Grab Financial Việt Nam có cái nhìn lạc quan hơn. Trả lời Trí thức trẻ, ông Nguyễn Tuấn Anh – Tổng Giám đốc Grab Financial Việt Nam cho rằng chuyện boa, tip vẫn tồn tại trong xã hội không tiền mặt, vấn đề ở đây là tâm lý.
Theo ông Tuấn Anh, việc ngại ngùng khi boa, tip và muốn đưa cho nhanh là vấn đề tâm lý. Về cơ bản, động thái boa, tip diễn ra khi khách hàng hài lòng với dịch vụ được cung cấp. Còn cách thức tip – bằng tiền mặt hoặc phi tiền mặt, là vấn đề thói quen. Và một khi xã hội đã quen với việc không xài tiền mặt, thì vấn đề gì cũng có thể giải quyết, như ở Trung Quốc, ăn xin cũng đã xài QR Code.
Tổng Giám đốc Grab Financial lấy ví dụ một câu chuyện tương tự là mừng cưới. Theo thói quen, chúng ta sẽ bỏ tiền vào phong bì, đặt phong bì vào hộp mừng cưới. "Nhưng thực ra để mã QR Code rồi chuyển tiền cũng không khác gì. Đó là chuyện bình thường, mà còn có lợi hơn nữa, bởi không có rủi ro bị mất tiền, bị ai rút mất, và mọi thứ đều rất minh bạch".
"Chuyện "ngại" xài tiền số, chỉ xài tiền mặt là vấn đề tâm lý. Tâm lý đi chung với thói quen. Và khi thói quen thay đổi, mọi thứ sẽ thay đổi", ông Tuấn Anh kết luận.
Bài: Nguyên Bảo
Thiết kế: Hải Đặng
Theo Trí Thức Trẻ