Tin kinh tế

Tập đoàn Nhật Bản đầu tư hạ tầng logistics tại Việt Nam

Trong tương lai, lái xe container Hải Phòng sẽ có app đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công văn giấy tờ.

Tập đoàn Sumitomo vừa hợp tác với công ty Suzuyo và một quỹ công-tư chuyên về đầu tư hạ tầng của Nhật Bản để mua 10% cổ phần của Công ty Cổ phần Gemadept của Việt Nam, trong đó Sumitomo góp gần 4 tỷ yen (37 triệu USD), tương đương khoảng 50% số vốn.

Cùng với việc mua lại cổ phần tại Gemadept, Sumitomo sẽ phát triển một ứng dụng trên điện thoại di động cho phép các lái xe container đăng ký trước thời gian bốc dỡ hàng tại các cảng và xử lý các công văn giấy tờ.

Hiện nay, ở cảng Hải Phòng, các lái xe thường phải mất từ 1-2h để chờ bốc dỡ hàng hóa lên tàu. Trong khi đó, tại Nhật Bản, Suzuyo đã rút gắn thời gian chờ này xuống còn khoảng 12 phút. Vì vậy, Suzuyo dự định sẽ sử dụng các kinh nghiệm ở Nhật Bản để áp dụng tại Việt Nam.

ng nam Đình Vũ khai trương hôm nay, Tập đoàn Gemadept đã đầu tư

Cảng nam Đình Vũ do Tập đoàn Gemadept đầu tư xây dựng. Ảnh TS

Cùng với đó, Sumitomo kì vọng xây dựng một hệ thống logistics kết nối các nhà máy với bến cảng để phục vụ cho hoạt động xuất khẩu các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.

Ngành cảng biển hiện đóng vai trò là hạ tầng logistics quan trọng cho xuất khẩu. Trong năm 2018, khối lượng lưu vận của toàn bộ hệ thống cảng Việt Nam đạt 17,8 triệu TEU, tăng 23% so với năm 2017.

Cụm cảng phía Nam và phía Bắc là hai cụm cảng quan trọng nhất, lọt danh sách 50 cảng container lớn nhất thế giới dự báo sẽ còn “thăng hạng” khi xuất khẩu của Việt Nam ngày càng tăng trưởng.

Tại phía Nam, cảng Cát Lái là cảng biển quan trọng nhất, trung chuyển trên 1/3 khối lương hàng hóa xuất khẩu của cả nước. Tuy nhiên vai trò của Cát Lái đang bị “lép vế” so với cảng Cái Mép do vị trí địa lý và thủy lưu, cảng này không thể đón được những tàu chở hàng tải trọng lớn.

Khu vực Cái Mép – Thị Vải tại Vũng Tàu đang được Chính phủ quy hoạch tới năm 2030 sẽ trở thành khu vực cảng quan trọng nhất cả nước. Khu vực này với vị trí nước sâu có thể đón những tàu chở hàng lớn nhất thế giới, thu hút vốn đầu tư liên doanh của các hãng tàu lớn. Trong vòng 8 năm, sản lượng của khu vực Cái Mép đạt tới 30% tổng lưu vận hàng hóa khu vực phía Nam, tỷ trọng này sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai.

Trong khi đó tại cụm cảng phía Bắc, Hải Phòng đang diễn ra sự chuyển dịch công suất mạnh mẽ từ các cảng thượng nguồn sang các cảng hạ nguồn nhằm đáp ứng việc đón các tàu lớn. Ngoài ra khu vực Lạch Huyện với vị trí nước sâu sẽ là khu vực cảng chiến lược ở phía Bắc. Khu vực thượng nguồn về dài hạn sẽ được chuyển đổi công năng thành kho bãi hoặc khu đô thị.

Theo ông Trương Quốc Thắng (John Truong) - Giám đốc điều hành của Công ty Giao nhận Vận tải hàng Dự án VN Projects, tốc độ phát triển logistics VN vào khoảng 14 – 16% năm. Các doanh nghiệp trong nước, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vào dịch vụ giao nhận, cho thuê bãi, gom hàng lẻ… mà thiếu vắng doanh nghiệp lớn có khả năng điều hành cả chuỗi logistics.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ là yếu tố sống còn đối với một doanh nghiệp logistics, có tác động toàn diện tới mọi lĩnh vực như cơ cấu ngành nghề, cung - cầu của thị trường lao động, hệ thống quản trị sản xuất... Quản trị logistics và chuỗi cung ứng cũng không nằm ngoài sự tác động này. Mặc dù Việt Nam có xuất phát điểm thấp trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên vẫn có nhiều tiềm năng trong tương lai để cạnh tranh trong ngành logistics.

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục