Tin kinh tế

Nhu cầu đất nền tại TP.HCM có thực sự giảm?

Hiện nay, bất động sản liền thổ vẫn được xem là kênh đầu tư “vua”. Tuy nhiên, sau thời gian sốt nóng, thị trường đất nền bắt đầu bước vào giai đoạn phân hóa, các dự án đất nền đáp ứng tốt nhu cầu ở thực vẫn có lực cầu cao.

Vài năm gần đây, dân số tại TP HCM gia tăng đột biến, không chỉ các quận nội thành, tại các quận ven thành phố, đà tăng dân số cơ học vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), dân số TP.HCM vào khoảng 13 triệu người, nhưng hiện có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà ở phải đi thuê nhà trọ; mỗi năm thành phố cũng có khoảng 50.000 cặp kết hôn mới cần nhà ở riêng. Bên cạnh đó, toàn thành phố có khoảng 3 triệu người dân nhập cư rất cần nhà ở để ổn định cuộc sống.

Nhu cầu về nhà ở bùng nổ và gia tăng liên tục qua các năm, trong khi đó tỷ lệ người dân chưa có nhà để ở khá nhiều, với tâm lý thích nhà có đất nên nhu cầu đất nền luôn luôn rất cao. Do thói quen lâu nay của người Việt, bất động sản liền thổ là của để dành, nên yếu tố có đất là quan trọng nhất. Dưới góc độ thị trường, đất nền, nhà phố từ lâu đã trở thành văn hóa đầu tư ăn sâu trong tiềm thức của người Việt.

Các Quận sát khu vực trung tâm những năm gần đây giá tăng cao nên người có nhu cầu ở thực rất khó tiếp cận mua để ở, đầu tư thì hiệu quả không cao. Sản phẩm mới với nguồn cung hạn chế, trong khi đó sản phẩm cũ qua nhiều lần giao dịch nên giá bị đẩy lên quá cao so với giá trị thực.

Thị trường đất nền tại các tỉnh thì không bán được do bản chất nơi đây không có nhu cầu thực, người dân không có nhu cầu ở những khu vực này để làm việc, sinh sống và lập nghiệp. Đa số dân từ các tỉnh chỉ đổ về TP.HCM sinh sống và lập nghiệp, chính vì nhu cầu vô cùng lớn về nhà ở, TP HCM phải thực hiện chuyển đổi hàng ngàn hecta để phục vụ nhu cầu vô cùng lớn này.

Quỹ đất chủ yếu nằm ở những khu vực vùng ven nên Thành phố dành nguồn lực lớn đầu tư hạ tầng để kết nối các khu vực vùng ven về trung tâm, cụ thể như chủ trương đầu tư các tuyến đường Đại Lộ Ven Sông nối từ Củ Chi về trung tâm với bề rộng hơn 30m, đường Vành Đai 3 rộng 60m, vì vậy trong thời gian tới những khu vực có những tuyến đường này đi qua sẽ thu hút rất nhiều nhà đầu tư và người dân về sinh sống.

Nhu cầu đất nền tại TP.HCM có thực sự giảm? - Ảnh 1.

Việc TP.HCM mạnh dạn cho chuyển đổi sử dụng đất sẽ giúp đạt được nhiều mục tiêu như an sinh xã hội ở các quận, huyện ngoại thành.

Khảo sát các khu vực quận huyện vùng ven thấy rằng: Quận 9, Thủ Đức, Gò vấp, Quận 12 không có sản phẩm mới, sản phẩm cũ qua nhiều lần giao dịch, giá bị đẩy lên khá cao và hiện tại giao dịch ở những khu vực này khá trầm lắng.

Tại thị trường các tỉnh vùng ven như Long An, Long Thành (tỉnh Đồng Nai), Bà Rịa trong đợt sốt đất sau tết rất nhiều đơn vị đổ về đầu tư phân lô và mở bán ồ ạt, nhưng hiện tại thì các khu vực này khá trầm lắng về giao dịch, nhà đầu tư bị vướng nhiều về chính sách vì các địa phương này đã ra những quy định chặt chẽ hơn hoặc cấm việc phân lô bán nền nên các dự án chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý đang gặp khó trong việc ra sổ cho khách hàng. Với dòng sản phẩm không đáp ứng nhu cầu thật này rất dễ gặp rủi ro nếu có sự biến động của thị trường hoặc thay đổi chính sách.

Nhu cầu đất nền tại TP.HCM có thực sự giảm? - Ảnh 2.

Đất nền các tỉnh vùng ven sau khi hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng vẫn không có dân cư về ở.

Ghi nhận tại TP.HCM, không có nhiều dự án mở bán mới. Các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, quỹ đất tiếp tục là bài toán của các doanh nghiệp BĐS, trong khi đó, nguồn cung thị trường thì hạn chế.

Từ những phân tích trên cho thấy, đất nền các Quận Huyện vùng ven TP HCM luôn có nhu cầu rất cao, rất cần thiết những dự án mới với vị trí thuận lợi về giao thông, giá cả hợp lý, để đáp ứng nhu cầu của người dân về an cư và đầu tư, cũng như định hướng giãn dân ra khu vực vùng ven, giảm áp lực hạ tầng cho khu vực nội đô của chính quyền thành phố.

Ánh Dương

Theo Nhịp sống kinh tế

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục