Tin doanh nhân công giáo

SỐNG ĐẠO GIỮA THƯƠNG TRƯỜNG

Giới Doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận Sài Gòn đang chuẩn bị cho 2 sự kiện lớn trong năm: mừng Lễ Bổn mạng và chương trình Dạ tiệc gây quỹ bác ái Thắp Sáng Lửa Yêu Thương.

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của tác giả Hoàng Mạnh Hà được đăng trên tạp chí Đồng Hành số 9.

Thương trường là chiến trường, đầy sóng gió, cám dỗ và tiêu cực. Vậy doanh nhân Công giáo sẽ chèo chống thế nào để giữ vững đức tin trên thương trường? “Chúng tôi không suy nghĩ chiến trường là phải sát phạt nhau, chiến trường ở đây là cùng nhau đi tới sự chiến thắng, chúng ta làm việc để mang lại lợi ích cho bản thân, gia đình, công ty và xã hội”, ông Nguyễn Thái, TGĐ Công ty Việt Thương, Trưởng Ban đại diện Giới Doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận TP.HCM trải lòng.

“Chúng tôi là Ki-tô hữu, là doanh nhân Công giáo, là những người thường xuyên được nghe Lời Chúa, được học hỏi sống theo tinh thần Chúa dạy. Chúng tôi luôn phải sống tích cực, sống dấn thân, sống quảng đại cho người khác ngay trong chính công việc hàng ngày của mình. Nghĩa là phải kinh doanh và làm việc hợp với Lời Chúa dạy, theo lương tâm, luật pháp của quốc gia, luật công ty”, ông Nguyễn Thái chia sẻ.

Đừng đưa mình vào góc nhìn tiêu cực

. Đồng hành: Là một doanh nhân Công giáo, ông thấy có nhiều khó khăn không khi phải giữ những giới răn của Chúa và Hội Thánh như đức công bằng, tính trung thực… trong kinh doanh?

+ Ông Nguyễn Thái: Nếu chỉ thoáng qua thì có thể chúng ta thấy giữ đức công bằng, tính trung thực, đức bác ái… trong kinh doanh thật khó khăn, hay nói cách khác là đi ngược lại với Tin Mừng. Nhưng trong thực tế, nếu chúng ta cố gắng đưa công bằng, trung thực, bác ái vào được trong đời sống kinh doanh, thì chính điều này làm cho khách hàng nhận ra chúng ta đang ở một đẳng cấp cao. Họ nhận ra chúng ta uy tín, họ tin tưởng chúng ta hơn. Nhờ vậy mà việc kinh doanh sẽ tốt và bền vững hơn.

. Trên thương trường, có những điều người Công giáo phải tránh xa, đồng nghĩa với việc thua thiệt so với người đời. Nhưng theo ông, người Công giáo còn những ưu điểm gì trong làm ăn kinh doanh?

+ Có thể bạn đang nghĩ đến những cơ hội làm ăn không đúng theo tinh thần Chúa và Giáo hội? Vâng, cũng có thể cơ hội kinh doanh hạn hẹp hơn nhưng chúng ta đừng chỉ đưa mình vào một góc nhìn tiêu cực, chính những “thua thiệt” đó thôi thúc chúng ta chuyển mình qua những “lợi thế” tích cực của thị trường mà người ta chưa khai thác và xây dựng cho chính mình đủ năng lực phù hợp để thực hiện.

Điều này chúng ta có thể nhìn thấy qua những công ty đa quốc gia đang kinh doanh ở Việt Nam. Họ là những công ty chuẩn mực theo tinh thần Ki-tô giáo. Họ quản lý một công ty rất minh bạch, trung thực, công bằng,… Đây cũng là một ưu điểm mà chúng ta cần làm không chỉ để xây dựng một công ty chuẩn mực lâu dài mà còn góp phần xây dựng một xã hội tốt hơn.

. Làm ăn thời nay thường đi đôi với lót tay, nạn bao thư… Ông nghĩ sao về vấn nạn này?

+ Chúng ta có thể hiểu rộng hơn với hai ý định:

-         Ý định trả công cho ai đó khi họ giúp mình, một cách tế nhị theo văn hóa Việt Nam, dù là người có địa vị hay không, dù là người có trình độ, dù là người không tôn giáo...

-         Ý định mua chuộc để làm sai công lý, công bằng, để làm sai sự thật hay gian dối… để làm sai tinh thần Chúa dạy, sai với đạo lý làm người, sai với văn hóa Việt Nam thì chúng ta không được làm. Mỗi người chúng ta phải có tiếng nói trong trách nhiệm quyền hạn của mình nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Ông Nguyễn Thái tại Chương trình Thắp Sáng Lửa Yêu Thương lần VII của Giới DNCG TGP TP.HCM.

Tin Mừng soi sáng vào từng công việc kinh doanh

. Chúa nói người giàu khó vào Nước Trời, nhưng người Công giáo, đặc biệt là giới doanh nhân vẫn đua nhau làm giàu. Phải chăng điều này đang mâu thuẫn với những gì giới doanh nhân đang phấn đấu?

+ Theo tôi nghĩ, Chúa muốn chúng ta sống theo tinh thần nghèo khó. Nếu người giàu có, nhiều tiền bạc của cải mà biết chia sẻ cho người nghèo thì rất đẹp lòng Chúa, thì Nước Trời vẫn là của họ.

Trái lại, nếu người nghèo mà không sống theo tinh thần nghèo khó, không chấp nhận cuộc đời của mình mà lại sống gian tham gian dối thì cũng không được Chúa chấp nhận.

Vì vậy doanh nhân Công giáo phải làm việc hết khả năng của mình, cố gắng kiếm được nhiều tiền của, sống bác ái theo lời Chúa và chia sẻ tiền của cho những người nghèo khổ.

. Theo ông những yếu tố nào làm nên “bản sắc” của người doanh nhân Công giáo so với những doanh nhân ngoài đời?

+ Đường hướng kinh doanh, triết lý kinh doanh của doanh nhân Công giáo phải trên đạo lý làm người, văn hóa dân tộc Việt Nam. Hơn thế nữa, doanh nhân Công giáo phải được Tin Mừng của Chúa soi sáng hướng dẫn mỗi ngày và thấm đẫm tinh thần Ki-tô vào từng công việc trong đời sống kinh doanh. Được như thế thì tôi tin chắc rằng mỗi anh chị doanh nhân Công giáo sẽ phản chiếu được vẻ đẹp của Chúa, vẻ đẹp của Tin Mừng, vẻ đẹp của sự bình an, niềm vui, tình bác ái yêu thương phục vụ và công việc kinh doanh sẽ thành công bền vững.

Cha linh hướng Giuse Tạ Huy Hoàng chủ tế thánh lễ hàng tháng của Giới Doanh nhân Công giáo TGP TP.HCM.

Khát vọng làm giàu dễ cuốn người ta chệch đường

. Theo ông, những thành công trên thương trường của bản thân, có những yếu tố nào ông đúc kết được từ Lời Chúa không?

Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện với Lời Chúa. Lời Chúa dạy chúng ta thì rất nhiều, như anh biết. Ở đây tôi chỉ dẫn chứng một câu. Chúa nói: “Tất cả những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì chính anh em cũng hãy làm cho người ta” (Mt. 7, 12). Khi tôi tập sống yêu thương mọi người vì họ cùng là con một Cha trên trời và tôi tích cực sống câu Lời Chúa này với những người điều hành và nhân viên trong công ty, với các đại lý và khách hàng thì tôi nhận ra rất rõ rằng việc kinh doanh của tôi và công ty đang được thay đổi tốt hơn. Còn những yếu tố khác thì cũng tương tự như tôi đã nói ở trên.

. Thương trường và giấc mơ làm giàu, khát vọng khẳng định bản thân có rất nhiều sức hút, dễ làm cho người ta đi quá đà… Kinh nghiệm bản thân của ông như thế nào để vẫn dung hòa việc kinh doanh với việc đạo nghĩa, chăm lo gia đình, hội đoàn, cộng đồng?

+ Làm việc cũng là một đam mê, khát vọng thành công khát vọng làm giàu cũng là một đam mê. Vì vậy nó dễ làm cho tôi cũng như những doanh nhân Công giáo khác bị cuốn, bị hút đi mãi và đi chệch đường. Nhưng nếu tôi biết khiêm tốn để nhận ra rằng thành công của mình có sự đóng góp lớn của những người xung quanh đang đồng hành với mình. Nhất là tin rằng sự thành công là do Chúa ban cho thì tôi sẽ dễ dàng nhận ra tiền bạc cần thiết nhưng cũng chỉ là phương tiện, không phải là cùng đích. Từ đó, tôi có thể sắp xếp và dành nhiều thời gian vào những công việc ý nghĩa hơn, quan trọng hơn, đúng với mục đích sống của mình. Những công việc ý nghĩa ấy không chỉ cho bản thân mà còn cho gia đình, công ty, cộng đoàn, cộng đồng xã hội và nhất là cho người nghèo.

Cùng nhau góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội

. Hoạt động của Giới Doanh nhân Công giáo Tổng Giáo phận TP.HCM có gì khác biệt với những hội doanh nhân ngoài xã hội, thưa ông?

+ Chúng tôi nghĩ rằng có nhiều điểm giống nhau và cũng có nhiều điểm khác. Giới Doanh nhân Công giáo sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần. Mỗi lần gặp nhau đều có những mục: Cà phê kết bạn kết thân với nhau; cùng nhau trao đổi những đề tài về kinh doanh hay gia đình; cùng nhau xây dựng phát triển Đức Tin, Đức Cậy, Đức Mến qua việc dâng lễ, cầu nguyện.

Những hoạt động không thường xuyên, mỗi năm vài lần như làm công tác từ thiện, đóng góp cho người nghèo, đi du lịch hành hương và học tập kinh doanh…

. Trong hoạt động mục vụ của Tổng Giáo phận, Hội có những đóng góp như thế nào, thưa ông?

+ Hàng năm anh chị em Doanh nhân Công giáo cùng nhau góp phần xây dựng Giáo hội và xã hội qua những chương trình của Giáo phận như Quỹ học bổng cho sinh viên nghèo, giúp người nghèo, giúp những nơi nghèo trong các chương trình truyền giáo.

Ngoài ra, Doanh nhân Công giáo còn đóng góp trực tiếp từ mỗi gia đình cho người nghèo, tùy vào trường hợp khác nhau tại địa phương.

. Trước đây xã hội Việt Nam rất xem thường giới kinh doanh buôn bán. Họ thường bị gọi là con buôn, con phe… Thế nhưng trong lịch sử đã từng có vị thánh tử đạo xuất thân lái buôn đó là thánh Gẫm. Người cũng là bổn mạng của Giới Doanh nhân Công giáo Tổng giáo phận TP.HCM. Theo ông những nhân đức nào từ thánh nhân mà giới doanh nhân Công giáo ngày nay cần học hỏi, noi gương?

- Vâng, có thể thực tế để lại cho xã hội một hình ảnh không đẹp về người kinh doanh mua bán. Nhưng nếu doanh nhân kinh doanh chuẩn mực, phù hợp với đạo lý làm người, sống theo tinh thần Chúa dạy: Yêu thương trong sự thật, công lý trong an hòa thì chắc chắn lại là câu chuyện khác. Mọi người sẽ không xem thường mà ngược lại họ sẽ tôn trọng và vui tươi vì tình bác ái, vì sự phục vụ yêu thương chân thành của doanh nhân Công giáo.

Rất nhiều nhân đức mà Doanh nhân Công giáo hay những người Công giáo nói chung có thể noi gương và học theo Thánh Mát-thêu Lê Văn Gẫm. Tôi có thể kể ra đây: Kiên cường tuyên xưng đức tin và làm chứng cho Chúa; Dù phải thua thiệt, cực hình đau đớn hay phải chết cũng vẫn bình an và vui tươi trong Chúa; Can đảm nhận trách nhiệm mở mang nước Chúa; Dấn thân phục vụ Giáo hội trong sứ vụ của mình; Giáo dục con cái sống đức tin; Sống hy sinh và quảng đại vì người khác.

“Trải qua mấy chục năm kinh doanh, khi còn là những doanh nghiệp nhỏ và đến nay, chúng tôi cũng có những trải nghiệm về đường hướng, về triết lý kinh doanh, từ ý tưởng đến hành động kinh doanh. Kinh doanh và làm việc hợp với Lời Chúa dạy, theo lương tâm, luật pháp của quốc gia, luật công ty”.

Đức Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc luôn đồng hành, hướng dẫn để Giới doanh nhân Công giáo phát huy đời sống Tin – Cậy – Mến. Trong ảnh: Ông Nguyễn Thái, Trưởng Ban Đại diện Giới DNCG tặng hoa cho Đức TGM trong chương trình TSLYT.

Giúp nhau phát huy đời số Tin – Cậy – Mến

Những sinh hoạt chính mà người sáng lập ra Giới Doanh nhân Công giáo là Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn đã hướng dẫn cách đây 14 năm và bây giờ là Đức Tổng Giám mục Phao-lô Bùi Văn Đọc vẫn đang chỉ dạy cùng với các cha linh hướng: Tạo điều kiện cho các thành viên tham gia các hoạt động nhằm:

- Giúp nhau phát huy đời sống Tin - Cậy - Mến trong gia đình theo gương Thánh Gia nhằm xây dựng nền văn hóa sự sống toàn diện gồm cả thể xác, tinh thần và tâm linh.

- Liên kết, hỗ trợ nhau phát triển đời sống kinh tế, xã hội trên nền tảng những giá trị đạo đức từ Tin Mừng, từ giáo huấn của Giáo Hội về con người và xã hội, là những giá trị giúp cho sự thăng tiến gia đình và phát triển xã hội được vững bền

Bài viết: Hoàng Mạnh Hà

Ảnh: tư liệu

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục