Tin kinh tế

Cả nước 'bình thường mới', hàng nghìn lao động TP. HCM lại sắp thất nghiệp

(VNF) - Cả nước đang bước vào trạng thái bình thường mới, nhưng hàng ngàn người lao động trong các công ty tại TP. HCM lại đứng trước nguy cơ mất việc làm do doanh nghiệp không có đơn hàng từ nước ngoài. Thị trường xuất khẩu chưa kết nối đã buộc các đơn vị này phải cắt giảm nhân sự.

Tiếp tục mất việc

Theo công đoàn của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, công ty này dự kiến cắt giảm khoảng 6.000 lao động, tương đương 10% nhân sự. Quá trình cắt giảm dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 3 tháng, chia làm 2 đợt. Nguyên nhân khiến Pouyuen phải cắt giảm nhân sự là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Trong 3 tháng qua, Pouyen liên tục bị giảm đơn hàng. Trong tháng 6, lượng đơn hàng giảm đến 50% và tỷ lệ này còn cao hơn trong quý III/2020.

Không những vậy, Pouyuen hiện còn chưa có đơn đặt hàng nào cho quý IV/2020. Do đó, những người lao động bị cắt giảm việc làm sẽ thuộc các bộ phận không có đơn đặt hàng.

Ảnh minh họa 

Công ty PouYuen Việt Nam có quy mô rất lớn với khoảng gần 70.000 lao động, làm việc 3 ca (có ca đêm), hằng ngày trên 800 xe đưa đón công nhân.

Trước khi Pouyuen cắt giảm nhân sự, một doanh nghiệp khác trong ngành dệt may là da giày Huê Phong cũng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 và có động thái tương tự. Theo ban lãnh đạo công ty, tuy đã cố gắng duy trì sản xuất đến hết tháng 4/2020, nhưng công ty vẫn không có nguyên vật liệu, không ký được đơn hàng nên buộc phải thu hẹp sản xuất, dẫn đến việc cắt giảm 2.222 lao động từ ngày 16/6.

Theo UBND TP.HCM, từ đầu năm 2020 đến nay, do diễn biến của dịch Covid-19 hết sức phức tạp, hầu hết loại hình doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, rất nhiều người lao động phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, thậm chí bị mất việc làm.

Theo thống kê sơ bộ đến ngày 14/4/2020, trên địa bàn thành phố có 101.982 người lao động trong các doanh nghiệp phải nghỉ việc không hưởng lương, thỏa thuận tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc làm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Tính đến ngày 18/5/2020, trên địa bàn thành phố có 6.939 doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh thang lương, bảng lương và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lao động quận, huyện, Ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM, Ban quản lý khu công nghệ cao TP. HCM để giám sát theo quy định.

75% doanh nghiệp cắt giảm chi phí nhân sự

Khảo sát của VietnamWorks với 400 doanh nghiệp và 3.400 người tìm việc mới đây cũng cho thấy trong dịch bệnh và sau giãn cách xã hội, có gần 60% doanh nghiệp thể hiện đủ năng lực để duy trì và tiếp tục phát triển kinh doanh

Đặc biệt, nhóm chịu tổn thương do Covid-19 chiếm 40%, trong đó 30% doanh nghiệp đã cắt giảm nhân sự để duy trì qua cơn khủng hoảng, 10% các công ty chọn cắt giảm vừa nhân sự lẫn lương, phúc lợi.

Công ty Talentnet chuyên về tư vấn chiến lược và giải pháp nhân sự vừa công bố khảo sát nhanh về cách nhìn nhận và đối ứng của các doanh nghiệp trong bối cảnh Covid-19. Khảo sát tiến hành đối với 172 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề và tiến hành từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4/2020.

Theo khảo sát của Talentnet, nếu tình hình kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn vì Covid-19 thì 75% doanh nghiệp sẽ cắt giảm chi phí nhân sự, 25% còn lại không giảm tài chính dành cho nhân sự. Báo cáo này cho biết 54% công ty chọn trả lương theo thỏa thuận nhưng không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng nếu doanh nghiệp cho người lao động ngừng việc tạm thời do không đủ khối lượng công việc;

19% công ty chọn trả 100% lương theo hợp đồng lao động hiện tại và yêu cầu nhân viên lấy phép năm những ngày không làm việc; 17% công ty có phương án khác kết hợp nhiều cách trên hoặc thương lượng theo từng trường hợp cụ thể; 9% sẽ trả 100% lương theo hợp đồng lao động hiện tại và không trừ phép.

Ảnh minh họa

Mỗi ngành có mức độ cắt giảm nhân sự khác nhau, chẳng hạn như ngành hàng tiêu dùng sẽ cắt giảm chủ yếu dưới 10% trong khi ngành sản xuất dự kiến có thể cắt giảm tới 20% đến 30%.

Theo Talentnet, 90% doanh nghiệp đã chọn các biện pháp sau để đạt hiệu quả khi làm việc từ xa, trong khi đó 10% doanh nghiệp chọn cách gắn kết nối bằng bằng hình thức tăng cường truyền thông nội bộ từ lãnh đạo cấp cao: tổ chức họp toàn công ty, đưa ra thông điệp hàng tuần để cập nhật tình hình, động viên nhân viên; tổ chức các hoạt động thi đua thể dục thể thao, bình chọn người có thành tích tốt; góc làm việc sáng tạo; sáng kiến làm việc tại nhà hiệu quả; tập thể dục buổi sáng; giờ "Happy Hour" trực tuyến…

Theo Hiệp hội Dệt may, đây là một ngành phụ thuộc lớn vào xuất khẩu. Dịch bệnh khiến nhu cầu sụt giảm cùng tình trạng đóng cửa của các thị trường lớn làm cho số lượng đơn hàng xuất khẩu giảm khoảng 25% trong tháng 4 và hơn 30% trong tháng 5.

Đề xuất từ chính quyền TP.HCM

Để triển khai hiệu quả quy định về tiền lương tối thiểu vùng, UBND TP vừa kiến nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp cũng như người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

TP cũng kiến nghị tăng cường tập huấn nghiệp vụ và kiến thức pháp luật về lao động để nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác lao động, tiền lương và cán bộ công đoàn tại doanh nghiệp; quy định thời hạn để doanh nghiệp thực hiện xây dựng và gửi thang lương, bảng lương, tránh trường hợp doanh nghiệp chỉ thực hiện khi có thông báo các cơ quan chức năng kiểm tra hoặc khi cần thực hiện các thủ tục để được hưởng chế độ; công tác truyền thông về việc tăng lương tối thiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng phải đúng thời điểm, rõ ràng, chính thức nhằm tránh gây những hiểu lầm từ phía người lao động và người sử dụng lao động.

Khi công bố tăng mức lương tối thiểu, Chính phủ cần có chính sách kiểm soát chỉ số giá và lạm phát, ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu như: sữa, xăng dầu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuộc sống của người lao động. Mặt khác, cần ban hành và công bố sớm để cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương tổ chức tốt việc triển khai thực hiện.

Về phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng trên địa bàn TP, UBND TP thống nhất giữ nguyên phân vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng như hiện nay. Cụ thể, các quận và 4 huyện (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè) thuộc vùng I; riêng huyện Cần Giờ thuộc vùng II.

Việc giữ nguyên phân vùng như hiện nay nhằm thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư trên địa bàn huyện, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương (hiện trên địa bàn huyện có khoảng 327 doanh nghiệp); đồng thời tạo sự hài hòa lợi ích giữa chủ sử dụng lao động (doanh nghiệp) với người lao động trong thỏa thuận tiền lương, khuyến khích người sử dụng lao động thuộc các hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp. Giá cả sinh hoạt và mức sống đa số nhân dân trên địa bàn huyện còn thấp so với các quận, huyện còn lại của TP.

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục