CHIA SẺ TRONG TUẦN

THEO ĐẠO NHƯ MỘT THÓI QUEN

Những mẩu chuyện nhỏ như dưới đây, chỉ nhằm đặt cho mỗi người một câu hỏi cũng rất nhỏ rằng : Phải chăng, chúng ta đang theo đạo như là một thói quen, như một sự kế thừa từ ông bà, cha mẹ truyền lại ?!

Câu chuyện thứ nhất
 
Ngày thứ tư Lễ tro, nhà thờ đông nghẹt giáo dân tham dự thánh lễ, vị Linh mục chủ tế bắt đầu nghi thức xức tro cho mọi người tham dự thánh lễ. Một người phụ nữ ghé tai tôi hỏi nhỏ : “Mình bỏ lễ chủ nhật 3 lần, mình có được lên nhận xức tro hay không vậy ?”
 
Một câu hỏi thật bất ngờ, và bất ngờ hơn hơn nữa khi nó là xuất phát từ một người – theo quan sát cá nhân –tham dự thánh lễ với một thái độ hết sức sốt sắng ?!
 
Có vẻ như bạn ấy nghĩ rằng, lên xức tro cũng có nghĩa giống như lên rước Mình  thánh Chúa chăng? Vậy thì người phụ nữ ấy hiểu gì về ý nghĩa của ngày thứ tư lễ tro? Hay chỉ tham dự Lễ Tro như một thói quen đi lễ hàng ngày, như một nghĩa vụ bắt buộc đối với người mang danh là Kitô hữu ?
 
11011771_1827896110769728_4414809803169079631_n
 
Câu chuyện thứ hai
 
Chủ nhật thứ nhất mùa chay, sân của một ngôi nhà thờ có tiếng ở Saigon đông nghẹt giáo dân tham dự thánh lễ, sau khi công bố tin mừng về đức Jesus vượt qua những sự cám dỗ của satan, vị Linh mục chủ tế mời mọi người ngồi xuống để nghe giảng.
 
Thời điểm Linh mục bắt đầu giảng về ý nghĩa của bài tin mừng, cũng là thời điểm mà nhiều bạn trẻ trong sân nhà thờ bắt đầu rút ra những chiếc smartphone và bắt đầu những giây phút “riêng tư” của các bạn ấy. Một vài bạn thì lướt facebook xem những thông tin mới cập nhật, một cặp đôi tuổi teen thì chụp hình selfie và cập nhật lên mạng rằng tôi đang đi lễ ở nhà thờ gì đó, một vài bạn khác nữa thì lại tám với ai đó về những chuyện khá thú vị thể hiện qua nụ cười tủm tỉm. thậm chí có bạn còn tranh thủ chơi tiếp một ván bài online đang bị tạm dừng trước khi đi lễ…. Hình như với các bạn ấy, những phút  giảng giải của linh mục sau khi công bố tin mừng cũng giống như thời gian giải lao giữa hai hiệp đấu : Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh thể và thời gian đó là “thời gian của riêng mình”.
 
Câu chuyện thứ ba
 
Tôi có một người bạn – là một doanh nhân nho nhỏ – công ty anh ta không phải to lắm nhưng cũng thuộc loại “không phải dạng vừa đâu”.
 
Trong những năm qua, dù có những khó khăn về kinh tế nhưng công việc kinh doanh của anh ta khá phát đạt, đồng ra đồng vào cũng khá dồi dào.
 
Điểm sáng của vị doanh nhân ấy là tích cực tham dự các hoạt động từ thiện, bác ái của giáo xứ anh ta đang sống. Chỉ cần cha Chánh xứ kêu gọi anh ta sẵn sàng tham gia không hề bận lòng tính toán nhiều ít. Nói theo ngôn ngữ kinh doanh, anh ấy là một trong những nhà tài trợ chính của giáo xứ trong hầu hết các hoạt động chung.
 
Không những thế, gia đình anh ấy còn được xem là một tấm gương sáng về sống đạo đối với các bạn trẻ trong giáo xứ theo mô hình doanh nhân thành đạt và ngoan đạo.
 
Có điều – ít ai biết được – tại công ty của anh ấy, ngay quầy tiếp tân ở tầng trệt của văn phòng công ty lại có một bàn thờ thần tài rất trang trọng. Ngày ngày khi đến công ty, trước khi lên phòng làm việc, anh ấy vẫn trang trọng đốt nhang, đặt một ly cà phê và một điếu thuốc lá trước mặt tượng thần tài và khấn vái : “Xin ông phù hộ cho con ngày hôm nay, mua may bán đắt, vạn sự như ý” ?!
 
Giải thích cho việc này, anh ấy nói : “Có thờ, có thiêng, có kiêng có lành, nói vậy chứ nhờ “ỔNG” mấy năm nay công ty tui làm ăn phát đạt, hợp đồng có đều đều, không phải chỉ mình tui đâu, mấy đứa nhỏ trong văn phòng công ty cũng tin tưởng ông thần tài lắm. Trước khi thương thảo hợp đồng, ký kết làm ăn đều cúng xin ông thần tài phù trợ cho mọi việc đầu xuôi đuôi lọt”.
 
Hình như với anh ta, Thiên Chúa chỉ hiện diện ở nhà anh ta và ở nhà thờ của giáo xứ. Còn ở công ty, đó là “vùng trách nhiệm” của ông thần tài. Anh ấy quên hay không biết đến câu kinh thánh “Ðã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Ðức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Luca 4, 8).
 
♦♦♦
 
Vâng, xin chia sẻ một vài mẩu chuyện nhỏ mà có thể chúng ta rấ dễ bắt gặp đâu đó trong cuộc sống thường ngày quanh ta. Những mẩu chuyện mà đôi lúc ngẫm nghĩ, có thể có hình ảnh của chúng ta trong đó một cách hết sức tự nhiên, hết sức bình thường.
 
Những mẩu chuyện nhỏ như vậy, chỉ nhằm đặt cho mỗi người một câu hỏi cũng rất nhỏ rằng : Phải chăng, chúng ta đang theo đạo như là một thói quen, như một sự kế thừa từ ông bà, cha mẹ truyền lại ?!
 
Vâng, chúng ta đang “theo đạo” hay đang “sống đạo”, rất mong có được những chia sẻ chân tình và thẳng thắn từ tất cả mọi người.
 
Jos. Phú Thi

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục