TIN CÔNG GIÁO

Kỷ niệm 60 năm thành lập Viện Đại Học Huế - Suy ngẫm về đạo lý ''Ăn quả nhớ kẻ trồng cây''

Thế hệ trẻ trong nước chắc có nhiều người chưa bao giờ nghe, thấy và đọc cuốn “Bên giòng lịch sử” của linh mục Cao Văn Luận. Có đọc qua mới thấy công lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm và linh mục Cao Văn Luận trong buổi bình minh của việc thành lập Viện Đại học Huế.

Theo linh mục Cao Văn Luận vào ngày mùng 3 Tết năm Đinh Dậu (1957) tại nhà từ đường của Tổng thống Ngô Đình Diệm ở Huế, Tổng thống Ngô Đình Diệm đã nói với linh mục Cao Văn Luận: “ Này cha, tôi thấy cần phải thành lập tại Huế một viện Đại học lớn, vì hai lý do chính. Thứ nhất là Huế từ trước đã là một trung tâm văn hóa của nước ta. Ở Huế đã có những truyền thống văn hóa sâu đậm, có những cơ sở văn hóa lâu đời, như trường Quốc tử giám, các cuộc thi cử Hán học. Dân miền Trung lại hiếu học mà nghèo, có bao nhiêu thanh niên ưu tú muốn lên Đại học mà không thể vào Sài Gòn học tiếp. Thứ hai là hiện nay dân chúng xôn xao đồn đại rằng chính phủ một ngày nào đó có thể bỏ Huế, vì hiện nay Huế không quan trọng lắm về phương diên chính trị, kinh tế. Vậy lập Viện Đại học Huế là chứng minh cách cụ thể với dân chúng, với quốc tế cũng như với bên kia rằng chính phủ nhất định bảo vệ Huế. Huế chỉ cách vĩ tuyến 17 khoảng 100 cây số. Nếu bây giờ tôi quyết định lập Đại học Huế, cha có bằng lòng giúp tôi không?” Linh mục Cao Văn Luận đã trả lời: “Thưa cụ, nếu tôi có thể làm được việc gì để góp công vào việc thành lập một Đại học ở Huế, thì cụ có thể tin rằng tôi không ngần ngại chút nào”.Tổng thống Ngô Đình Diệm thấy linh mục Cao Văn Luận nhận lời liền nói: “ Vậy thì ít hôm nữa tôi sẽ sai một phái đoàn ra đây gặp cha, để thảo luận và nghiên cứu các chi tiết cụ thể”. Và khoảng một tháng sau, một phái đoàn từ Sài Gòn ra Huế gặp linh mục Cao Văn Luận có các ông Ngô Đình Nhu, Bộ trưởng Giáo dục Nguyễn Dương Đôn, Viện trưởng Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình và những giáo sư chuyên viên khác.

Một cuộc họp được tổ chức tại Tòa Hành chánh tỉnh Thừa Thiên. Linh mục Cao Văn Luận trình bày trước cử tọa những lý do mà Tổng thống Ngô Đình Diệm đưa ra và kèm theo những lý do thực tế của linh mục. Nhưng cuộc họp đã đi đến quyết định “là vì những hoàn cảnh đặc biệt những khó khăn trong ngành giáo dục, chưa nên làm việc vội vàng hấp tấp quá. Họ nói rằng ở Huế chỉ nên lập một chi nhánh của Viện Đại học Sài Gòn tùy thuộc hoàn cảnh vào viện Đại học Sài Gòn và Bộ Quốc gia Giáo dục. Như vậy Đại học Huế sẽ không thành một đơn vị độc lập mà chỉ là một số phân khoa đặt dưới quyền Viện Đại học Sài Gòn mà thôi” và linh mục Cao Văn Luận được cử làm đại diện cho ông Viện trưởng Viện Đại học Sài Gòn Nguyễn Quang Trình để tổ chức. Linh mục không đồng ý . “Nhưng đành khuất phục trước quyết định của đa số”.

Phái đoàn về Sài Gòn được mấy hôm thì có nghi định thành lập Đại học Huế, nhưng với các điều khoản đặt Đại học Huế lệ thuộc Viện Đại học Sài Gòn.

Linh mục Cao Văn Luận đã ghi lại những khó khăn của Đại học Huế bị lệ thuộc Viện Đại học Sài Gòn: “ Sau hai tháng hoạt động mỗi ngày tôi thấy thêm nhiều khó khăn chỉ vì Huế thì xa Sài Gòn, tôi lại không có đủ thẩm quyền quyết định bất cứ việc gì mà phải phúc trình về Viện trưởng Đại học Sài Gòn, về Bộ Quốc gia Giáo dục, rồi lên ông Nhu, ông Diệm. Các thủ tục đó làm cho công việc chậm trễ, làm cả tôi và những người góp sức lúc đầu chán nản. Tôi vào Sài Gòn trình bày các khó khăn đó thẳng cho ông Diệm. Tôi nói với ông Diệm rằng ý kiến đầu của ông Diệm là muốn có một Đại học Huế độc lập, lớn quan trọng để thành một chứng minh và thách đố với thế giới và bên kia nếu cứ phải chạy quấn trong những thủ tục giấy tờ rắc rối, và những hành lang của giới giáo dục Sài Gòn, thì không thể đi đến kết quả tốt được. Tôi yêu cầu ông Diệm cho Đại học Huế quy chế riêng biệt và độc lập, và tôi có quyền quyết định mọi việc trong phạm vi ích lợi cho Đại học Huế. Tôi ngỏ ý nếu không được như vậy thì xin ông Diệm chọn người khác, và tôi nhận thấy không thể làm việc trong các điều kiện quá rắc rối như vậy được.Tôi không phải là người có thể đi vòng vo qua bao nhiêu hành lang các bộ sở được mãi”. Tổng thống Ngô Đình Diệm trả lời: “Cha yên tâm. Tôi đồng ý với cha về những điều đó, và sẽ có nghị định thành lập Viện Đại học Huế tự trị ngay cho cha, và tôi xin mời cha làm Viện trưởng đầu tiên Viện Đại học Huế”.

Sau khi linh mục Cao Văn Luận trở về Huế được ít hôm thì có nghị định thành lập Viện Đại học Huế cùng với sắc lệnh cử linh mục Cao Văn Luận làm Viện trưởng.

- Giới trí thức nhận xét công lao của Tổng thống Ngô Đình Diệm và Linh mục Cao Văn Luận

Giáo sư Nguyễn Văn Hai nhận xét: “… Số là sau khi mới về Việt Nam nhậm chức, ông Ngô Đình Diệm ra Huế. Lẽ tất nhiên ông ấy cần một sự tiếp đón nồng hậu của dân Huế nói chung và của học sinh Huế nói riêng. Linh mục Cao Văn Luận lúc bấy giờ là giáo sư Triết tại trường. Ngài năn nỉ tôi tổ chức diễn hành tiếp đón. Tôi bàn với một số giáo sư, trưởng lớp và trưởng ban sinh hoạt của trường. Tất cả đồng ý đặt điều kiện là ông Diệm phải hứa sau này có quyền hành thời phải mở một Đại học tại Huế, để con em miền Trung nghèo có cơ hội cầu tiến. Lời yêu cầu cũng vừa hợp ý ông Diệm. Sau khi được đoan chắc như vậy, chúng tôi mới mặc đồng phục trắng có thắt cà vạt xanh lơ mang biểu ngữ đòi mở Đại học Huế đi hàng lối chỉnh tề diễn hành chào đón. Sau đó Tổng thống Ngô Đình Diệm giữ lời hứa cho mở Đại học Huế mặc dầu có sự phản đối dữ dội của các vị khoa bảng ở Sài Gòn. Đại học Huế được thành lập, con em miền Trung có chỗ trau dồi chuyên môn và nhiều lớp sinh viên tốt nghiệp đã góp công xây dựng nước Việt Nam”.

Với giáo sư Nguyễn Văn Trường- từng là giáo sư Viện Đại học Huế khi mới thành lập và sau này hai lần đảm trách chức vụ Tổng trưởng (tức Bộ trưởng) Giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa- đã nhận xét về Linh mục Cao Văn Luận: “ Với cha Luận, cái nhìn của tôi thuở ban sơ và bây giờ cũng khác đi nhiều. Cha là người linh mục độc nhất làm Viện trưởng một Viện Đại học công lập. Nếu giáo sư Nguyễn Quang Trình là ông Viện trưởng đầu tiên, có công hóa giải sự chống đối việc thành lập Viện Đại học Huế của một số khoa bảng Sài Gòn bấy giờ thì cha Luận là ông Viện trưởng đã xây dựng và hình thành những cơ sở chính yếu của Viện Đại học Huế: khởi đầu là trường Luật, Văn khoa, Khoa học, Sư phạm. Sau đó thêm trường Y. Tôi có lắm dị đồng với cha Viện trưởng của tôi, nhất là trong mấy niên học đầu. Dị đồng và mâu thuẫn ở cái nhìn cách hành xử”

Linh mục Cao Văn Luận luôn ôm ấp Viện Đại học Huế có một ban giảng huấn giỏi giang: “ Cha Viện trưởng, vài năm trước khi thành lập Viện Đại học Huế, đã có kế hoạch trồng người. Cha gởi nhiều học trò giỏi đi du học. Muốn là giáo chủ ,khai đạo, phải có tông đồ. Nhưng tông đồ của cha, người đi thì có , người về không mấy ai”

Do “người về không mấy ai” nên linh mục Cao Văn Luận “ phải tuyển các hộ pháp, thời quân, sứ giả của Cha ở nhiều nguồn khác nhau: tại chỗ, Sài Gòn, Pháp, Anh, Mỹ ,Đức , Bỉ…và đa số thì rất trẻ. Bên những bậc cha anh như cụ Nhu, cha Thích, bọn trẻ học hỏi và trưởng thành” (tuhoaitan.blogspot.com/2017/03/ky-niem-60-nam-thanh-lap-vien-ai-hoc-hue.html)

Nguyễn Văn Nghệ

Theo VietCatholic News

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục