Tin doanh nhân công giáo

Đề án thi và xét tốt nghiệp THPT của TP.HCM: Tạo thêm áp lực cho học sinh?

Đại diện nhiều trường ĐH tỏ ra bối rối, lo ngại trước đề án thi và xét tốt nghiệp THPT của TP.HCM từ năm 2017, vì không biết sẽ sử dụng kết quả kỳ thi này như thế nào khi xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ
Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho rằng có thể Sở GD-ĐT muốn giảm áp lực thi cử, giảm thời gian thi cho học sinh (HS). Tuy nhiên, nếu chỉ thi 3 môn văn, toán, ngoại ngữ (tức một tổ hợp xét tuyển D1) đồng nghĩa với việc giảm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ của HS trên địa bàn. Vì vậy, phương án này cần được cân nhắc kỹ để tăng cơ hội cho HS.
Tiến sĩ Trần Đình Lý cũng cho hay nhiều năm qua trường dành 100% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh (TS) từ kỳ thi chung với 4 tổ hợp A, A1, B và D1, vì vậy nếu năm nay HS thành phố chỉ thi 3 môn thì rất khó cho việc sử dụng kết quả kỳ thi này. Điều này có thể diễn ra với nhiều trường khác khiến cơ hội xét tuyển vào ĐH bị giảm.
Tương tự, cán bộ đào tạo một trường ĐH nhận xét rằng trong hoàn cảnh cụ thể năm nay phương án này thực chất làm tăng thêm áp lực thi cử cho HS và các trường. Với những trường tuyển sinh các tổ hợp môn khác (ngoài khối D1), HS bắt buộc phải dự thi thêm lần nữa (kỳ thi THPT quốc gia hoặc kỳ thi riêng của trường ĐH) để có kết quả xét tuyển ĐH. “Nếu đề án thi của TP.HCM được thông qua, các địa phương khác cũng làm theo cách này thì cả nước sẽ bị đảo lộn. Không chỉ HS, bản thân các trường ĐH cũng đều bối rối khi thời gian từ nay đến lúc kỳ thi diễn ra không còn nhiều”, vị này nói.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, đề nghị Bộ nên xem xét kỹ phương án này vì hệ lụy sẽ rất lớn. Với dự thảo phương án thi và xét tuyển năm 2017 đã được Bộ công bố, sẽ không nhiều trường ĐH tổ chức kỳ thi riêng mà sẽ dựa vào kỳ thi chung. Khi đó bắt buộc các HS TP.HCM muốn vào ĐH phải thi 2 lần, vì vậy đề án này thực hiện trong năm nay sẽ làm khó cho chính HS thành phố. “Có thể nói đề án này quá cá biệt và không khớp với bối cảnh chung cả nước năm nay. Chỉ nên thực hiện đề án nếu việc xét tốt nghiệp hoàn toàn độc lập với việc tuyển sinh, mà điều này thì cần có thời gian và lộ trình phù hợp”, thạc sĩ Vũ nói.
Theo tiến sĩ Lê Hữu Phước, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, dự kiến năm nay trường vẫn xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT quốc gia do Bộ tổ chức. Do vậy, nếu TP.HCM chỉ tổ chức thi tốt nghiệp 3 môn sẽ khó cho trường khi xây dựng tổ hợp môn xét tuyển.
Không xét tuyển từ kết quả thi TP.HCM
Thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, chia sẻ: “Nếu đề án này triển khai, trường thực sự thấy bối rối. TS trúng tuyển vào trường có hộ khẩu tại TP.HCM gần 1/4, trong khi đó khối D1 chỉ chiếm chưa tới 1/4 chỉ tiêu tuyển sinh của trường”.
Thạc sĩ Cổ Tấn Anh Vũ tỏ ra lo ngại HS của TP.HCM trúng tuyển vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM mỗi năm khá nhiều. Nếu Bộ thông qua đề án, trường bắt buộc phải tìm phương án xét tuyển phù hợp để xử lý tình huống. Nếu không tổ chức thi bổ sung hoặc xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực của một đơn vị khác, có thể các trường phải tính đến phương án xét tuyển học bạ THPT với các môn còn lại. “Tuy nhiên, việc xét tuyển học bạ là điều các trường ĐH lớn không hề mong muốn, vì nếu được thì đã thực hiện từ nhiều năm trước”, đại diện một trường nói.
Trong khi đó, tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, dự kiến sẽ xét tuyển TS dựa vào 2 nguồn: kết quả thi THPT quốc gia và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Vì vậy, TS TP.HCM thi tốt nghiệp theo hình thức nào, muốn xét tuyển vào trường vẫn phải tham dự thêm một trong 2 kỳ thi trên.
Tương tự, PGS-TS Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược TP.HCM, khẳng định đề án thi của TP.HCM chỉ là kỳ thi tốt nghiệp. Việc xét tuyển vào ĐH năm nay hiện còn là phương án mở. Trường sẽ quyết dựa vào quyết định cuối cùng của Bộ, trường có thể xét tuyển dựa vào kỳ thi chung của Bộ hoặc tổ chức kỳ thi riêng.
Còn thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, nêu ý kiến: “Với định hướng chung của Bộ hiện nay, đề án của TP.HCM tạo thêm nhiều khó khăn. Nếu nhiều sở cùng thực hiện theo các cách khác nhau, người học sẽ rất hoang mang”.
Cũng theo thạc sĩ Sơn, trường hợp đề án của TP.HCM được thông qua, trường sẽ xét TS dựa trên 3 nguồn: kỳ thi THPT quốc gia, kỳ đánh giá năng lực ĐH Quốc gia Hà Nội và kết quả tốt nghiệp TP.HCM. Tuy nhiên, TS TP.HCM chỉ xét được vào trường bằng tổ hợp duy nhất D1. Nếu muốn xét tuyển vào trường bằng tổ hợp khác, TS bắt buộc phải dự thi thêm một trong 2 kỳ thi trên.
Hà Ánh
Theo TNO

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục