CÔNG NGHỆ SỐ

Cánh tay robot có thể điều khiển bằng suy nghĩ, không cần cấy ghép não

Các nhà nghiên cứu có thể kiểm soát cánh tay robot bằng suy nghĩ mà không cần phẫu thuật cấy ghép não, hứa hẹn khả năng điều khiển mọi công nghệ xung quanh trong tương lai.

 

Nếu bạn muốn điều khiển một con robot bằng suy nghĩ của mình, bạn hiện có 2 lựa chọn.

Đầu tiên là cấy ghép não. Trong trường hợp đó, quá trình điều khiển robot sẽ diễn ra suôn sẻ và liên tục. Hoặc bạn có thể bỏ qua cuộc phẫu thuật đầy rủi ro, tốn kém để sử dụng một thiết bị cảm nhận sóng não từ bên ngoài hộp sọ. Tuy nhiên, việc kiểm soát sẽ không được chính xác bằng.

Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Carneigie Mellon đang thu hẹp khoảng cách giữa 2 lựa chọn đó. Họ tạo ra cánh tay robot có thể điều khiển bằng suy nghĩ và hoạt động trơn tru mà không cần cấy ghép não - đưa con người đến gần hơn với tương lai sử dụng trí óc để kiểm soát công nghệ xung quanh.

Canh tay robot co the dieu khien bang suy nghi, khong can cay ghep nao hinh anh 1

Người tham gia được yêu cầu sử dụng suy nghĩ để điều khiển cánh tay robot chỉ vào con trỏ chuột trên màn hình. Ảnh: CMU.

Trong bài báo trên tạp chí Science Robotics, các nhà nghiên cứu mô tả cách họ kết hợp kỹ thuật cảm biến và công nghệ machine learning để tạo ra giao diện máy tính não (BCI). Hệ thống này có thể truyền tín hiệu vào sâu trong não của những người tham gia đeo mũ EEG.

Với bài kiểm tra hệ thống, người tham gia được yêu cầu điều khiển cánh tay robot để chỉ vào con trỏ chuột trên màn hình. Lần đầu tiên trên một hệ thống bên ngoài hộp sọ, thiết bị robot vận hành mượt mà và không có chuyển động giật.

 

Canh tay robot co the dieu khien bang suy nghi, khong can cay ghep nao hinh anh 2

Cánh tay robot được sử dụng chủ yếu bởi người khuyết tật hoặc có vấn đề vận động. Ảnh: SNFS.

Hiện nay, phần lớn robot điều khiển bằng suy nghĩ được dùng phục vụ cho những người bị rối loạn vận động, khuyết tật hoặc tê liệt. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Bin He lại hình dung viễn cảnh khi công nghệ này có mặt ở mọi nơi, mang lợi ích cho toàn bộ loài người.

“Mặc dù đối mặt với những thách thức kỹ thuật khi phải sử dụng tín hiệu không xâm lấn, chúng tôi cam kết mang công nghệ này đến cho bất kỳ ai cần nó”, ông He nói trong thông cáo báo chí.

“Đây là bước quan trọng trong quá trình xây dựng giao diện máy tính ngoài hộp sọ. Ngày nào đó, nó có thể trở thành công nghệ hỗ trợ mọi người”, ông cho biết thêm.

Hữu Chiến

Theo Zing.vn

 

Bài mới hơn

Bài viết cùng chuyên mục